Mỗi xã một sản phẩm, cần phát huy lợi thế.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm là Chương trình quốc gia về tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm hàng hóa mang tính đặc trưng, có lợi thế của địa phương đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu, có nhãn mác, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc. Huyện Thăng Bình có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có giá trị, việc xây dựng thành công đề án mỗi xã một sản phẩm sẽ góp phần nâng cao được giá trị của những sản phẩm này.

Ông Nguyễn Văn Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, huyện Thăng Bình đang có nhiều lợi thế trong việc xây dựng thành công đề án mỗi xã một sản phẩm. Những sản phẩm nông  nghiệp như cao chè vằng, nước mắm Cửa Khe, mực cơm Bình Minh, bánh tráng đa nem… đã khẳng định được thương hiệu và có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Tuy nhiên, quy mô sản xuất cũng như giá trị của các sản phẩm này vẫn còn nhỏ, tính cạnh tranh chưa cao. Theo ông Hương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, việc chưa có một chương trình, đề án phát triển cụ thể, mang tính định hướng đối với những sản phẩm này là nguyên nhân chính. Do đó, việc triển khai đề án mỗi xã một sản phẩm sẽ tạo cơ hội lớn hơn cho sản phẩm nông nghiệp của Thăng Bình ngày càng vươn xa hơn. “ Sản phẩm nông nghiệp không chỉ có ở địa bàn huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam mà vươn tới cả nước, thị trường Đông Nam Á và cả thế giới. Mặc dù sản phẩm nhỏ nhưng chất lượng cao, chúng ta làm đạt yêu cầu thì sẽ được thị trường chấp nhận”, ông Nguyễn Văn Hương – Phó Chủ tich UBND huyện hy vọng.

Việc triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhằm khơi dậy sức sáng tạo của cộng đồng, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, việc thực hiện chương trình này còn góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn. Đặc biệt sẽ nâng cao được giá trị gia tăng các sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững, thông qua chương trình còn góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Theo PGS.TS Trần Văn Ơn - Phong trào “mỗi xã một sản phẩm” hiện tại được triển khai khá hiệu quả ở Quảng Ninh trong giai đoạn 2013 – 2016. Nguyên nhân được phân tích chủ yếu là nhờ vào sự tham gia đầy đủ của các “nhà": Khoa học, nhà nông, nhà chính sách, đặc biệt là Nhà nước với hệ thống chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Việc tổ chức điều tra, thu thập thông tin, đánh giá các sản phẩm chủ lực, truyền thống, đặc trưng mang tính chất vùng xã, liên xã, các sản phẩm mang đặc trưng cả tỉnh.Phó giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo ưu tú Trần Văn Ơn – trưởng bộ môn Thực vật, trường Đại học Dược Hà Nội cho biết để thực hiện thành công đề án mỗi xã một sản phẩm thì từ chính quyền đến người dân tham gia đề án phải hiểu được bản chất của nền kinh tế thị trường, chỉ khi hiểu đúng thì mới thực hiện thành công được. 

Thăng Bình hiện có nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng, uy tín như nước mắm Cửa Khe, gạo đen Bình Qúy,….

Việc xây dựng đề án “Mỗi xã một sản phẩm” là cần thiết, nhằm khơi dậy tinh thần "khởi nghiệp" của đội ngũ nông dân hiện nay. Tuy nhiên, để thành công, cần phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học với sự chỉ đạo, hỗ trợ, dẫn dắt của chính quyền và ngành chức năng. Một ý nghĩa khác của “Đề án mỗi xã một sản phẩm” mang lại đó là điều hòa dân cư. Một khi cuộc sống nông hộ có nhiều chuyển biến, thu nhập từ làm nông, làm nghề truyền thống có thể sống tốt thì sẽ khắc phục,  hạn chế nông dân ly hương đến các thành phố lớn làm ăn.

Trung Thực

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI