Hấp mực bằng củi

Xã Bình Minh, mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 500-700 tấn mực hấp. Nhiều hộ đã đầu tư công nghệ hiện đại, song cũng còn vài hộ vẫn hấp mực theo lối truyền thống để giữ được hương vị riêng có của con mực vùng biển ngang.

 

Mực hấp Bình Minh

Những ngày tháng Ba, nắng gay gắt, căn bếp của chị Nguyễn Thị Chín (thôn Tân An) đỏ lửa từ lúc 2 giờ chiều để bắt đầu hấp mực. Công việc này có thể kép dài vài ba tiếng hoặc lâu hơn tuỳ thuộc vào sản lượng thu mua mực trong ngày.

Bếp củi được đun bằng cây dương liễu bắt đầu cháy, khói bếp bốc lên, mùi hôi của những người đàn bà biển cũng lăn dài vì nóng bức.

Theo chị Nguyễn Thị Chín, một phần vì chưa có kinh phí đầu tư bếp điện, phần khác là vì hấp mực bằng củi ngon hơn, hương vị đặc trưng của mực bãi ngang nơi đây dường như được giữ nguyên vẹn.

 

Bếp lửa được nhóm lên lúc 2 giờ chiều để hấp mực

Chị Chín cho hay, để mực tươi, ngọt sau khi hấp thì phải mua bằng được những con mực vừa cập bến thôn Tân An. Sau đó đem về lấy cho được túi mực để khi hấp con mực mới trắng, ngon. Mực tươi được rửa sạch để ráo nước rồi xếp đều lên rổ. Chị em chúng tôi bắt đầu nấu nước sôi bỏ thêm lượng muối phù hợp. Khi nước sôi sùng sục thì nhúng rổ mực vào tầm 8 -10 phút. Quá trình nhúng mực phải vớt lên thả xuống nhiều lần để mực chín đều. Khi mực chín phải trụng ngay qua nước lạnh để mực sạch hơn.

Những rổ mực hấp xong, khói bốc lên nghi ngút được đưa ra khỏi bếp củi để cho ráo nước. Con mực hấp xong căng tròn, lớp vỏ màng còn nguyên nhìn khá hấp dẫn.

 

Những rổ mực đã hấp xong

Mỗi ngày, cơ sở của chị Nguyễn Thị Chín có thể hấp từ 40 - 50kg. Đầu mùa có khi cả tạ mực. Mực hấp xong để nguội, nhiều thương lái đến lấy hoặc các chị bỏ cho các mối lái trên địa bàn với giá dao động 220.000 - 250.000/kg đồng tuỳ loại.

Những năm gần đây, mực hấp hiện diện trong những mâm cơm ngày lễ, tết. Mực vừa hấp xong, chấm với nước mắm gừng, ăn kèm thêm ít rau, chuối chát, người dùng có thể cảm nhận được vị ngọt trọn vẹn của con mực hấp Bình Minh.

Ông Lê Xuân Tới- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho hay, qua khảo sát có khoảng 100 hộ làm nghề hấp mực cung cấp ra thị trường 500-700 tấn mực mỗi năm. Để hấp mực nhanh hơn, đỡ vất vả, nhiều chủ cơ sở giờ đã chuyển sang hấp bằng điện. Còn rất ít hộ hấp mực bằng củi. Bởi hấp bằng thủ công tốn khá nhiều thời gian, khói bếp nóng bức. Tuy vậy, nhiều hộ vẫn còn giữ được cách hấp truyền thống để cùng chung tay đem thương hiệu mực hấp Bình Minh vươn xa.

TRUNG THỰC - GIANG BIÊN

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI