Chuyển hướng nuôi gà

Từ tổng đàn lợn gần 6 nghìn con, sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, đến nay, ở xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình chỉ còn chưa đầy 700 con. Trước khi được cơ quan chức năng cho phép tái đàn, Hội Nông dân xã Bình Chánh đã đưa ra nhiều giải pháp, hình thức hỗ trợ để khuyến khích nông dân chuyển hướng sang nuôi gà. Nhờ đó, người dân địa phương đã có động lực để tiếp tục phát triển chăn nuôi.

Đến nay, trên địa bàn xã Bình Chánh đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ chăn nuôi gà với quy mô hàng trăm con.

Từng có trang trại với 200 con heo thịt và 50 con heo nái, thế nhưng, khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn, đàn heo của gia đình anh Đặng Văn Hương, tổ 2, thôn Mỹ Trà, xã Bình Chánh đã bị tiêu hủy do nhiễm bệnh. Chuyển hướng sang nuôi gà với 500 con, anh Hương được Hội Nông dân phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Hợp tác xã hỗ trợ bột thức ăn. Và mới đây nhất, gia đình anh được hỗ trợ máy chế biến thức ăn. Nhờ đó, anh đã có thể tận dụng những nguyên liệu có sẵn tại địa phương để dùng làm thức ăn cho gà. Anh Đặng Văn Hương chia sẻ: “Tôi hay đi làm cá ở dưới suối nên có cua, cá nhiều. Cùng với đó tận dụng mấy hồ rau muống. Tôi đã tiến hành ép thử, máy đó rất hiệu quả. Gà ăn bảo đảm, đạt chất lượng 70% của bột bán trên thị trường”.

          Cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, đàn heo được xem là nguồn thu nhập dưỡng già của gia đình ông Hồ Văn Mai, tổ 6, thôn Ngũ Xã đã bị tiêu hủy bắt buộc vì nhiễm bệnh. Nhận được số tiền hỗ trợ, ông Mai chuyển hướng sang nuôi gà. Nhận được 13,5 bao bột thức ăn từ sự hỗ trợ của Hội Nông dân và Hợp tác xã, ông Mai không giấu khỏi sự xúc động. “Tôi rất phấn khởi khi nhận bột bên hội nông dân hỗ trợ cho chăn nuôi gà, ngày nhận bột nói chung bà con rất phấn khởi. Đồng thời, đây là động lực lớn để bà con chúng tôi phát triển chăn nuôi gà.”- ông Mai cho hay.

           Cùng với anh Hương, ông Mai, đợt này, toàn xã Bình Chánh có 20 hộ chăn nuôi gà được nhận hỗ trợ 10,5 tấn bột thức ăn, 6 nghìn liều vắcxin và 5 máy chế biến thức ăn cho gà. Riêng đối với máy chế biến thức ăn, nông dân được hỗ trợ 50%, còn lại phải đối ứng 50%, tức là 12,5 triệu đồng. Trước đó, năm 2019, Hội Nông dân xã cũng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ hơn 1,8 tấn bột thức ăn, vacxin, thảo dược và 1 máy chế biến thức ăn cho 7 hộ trên địa bàn với tổng kinh phí 80 triệu đồng.

Theo ông Lê Đức Mật- Chủ tịch Hội Nông dân xã, Bình Chánh là địa phương bị thiệt hại nặng sau dịch tả lợn châu Phi. Hơn 5 ngàn con heo đã bị tiêu hủy với trọng lượng trên 270 tấn, hiện, đàn lợn còn chưa đầy 700 con. Nhận thấy khó khăn của người chăn nuôi nên Hội đã khuyến khích bà con chuyển hướng sang nuôi gà, phát triển mô hình nuôi gà thả vườn. Hội nông dân xã đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà. “Cùng với đó, Hội phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh thành lập chi hội nuôi gà thả vườn theo hướng hữu cơ với 07 thành viên tham gia. Và để đồng hành cùng nông dân, Hội phải trực tiếp là người bạn theo sát người chăn nuôi, có hình thức hỗ trợ phù hợp để khuyến khích, tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất. Đặc biệt, với việc hỗ trợ máy chế biến thức ăn sẽ giúp tận dụng sản phẩm phụ của địa phương, giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi của người dân.”- ông Mật cho biết thêm.

Người dân Bình Chánh vốn có đất vườn rộng nên việc chăn nuôi gà không còn xa lạ đối với bà con nơi đây. Thế nhưng, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ khi có sự đồng hành của Hội Nông dân xã, nhiều hộ đã phát triển từ 250- 300 con, góp phần nâng tổng đàn toàn xã lên hơn 10 nghìn con. Sau những kiệt quệ từ chăn nuôi heo, người chăn nuôi ở Bình Chánh đã có thể tìm hướng đi, dù không mới, nhưng, với sự hỗ trợ của địa phương, hy vọng sẽ có nhiều bước phát triển mới trong chăn nuôi gà ở Bình Chánh thời gian đến.

THU SƯƠNG– MINH TÂN

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI