Quyết tâm xây dựng huyện Thăng Bình đạt chuẩn huyện Nông thôn mới vào năm 2023

Trong những năm qua, Thăng Bình là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, toàn huyện có 13 xã được công nhận đã chuẩn xã Nông thôn mới, đạt tỷ lệ 65%. Mục tiêu đề ra đến cuối năm 2022, toàn huyện có 100% xã đạt chuẩn Nông thôn mới; đến năm 2023 huyện đạt chuẩn huyện Nông thôn mới; đến năm 2025, có 08 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được mục tiêu trên, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cần tập trung vào cuộc với quyết tâm cao nhất.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, sự tham gia của toàn xã hội, nhất là được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn huyện Thăng Bình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cán bộ và nhân dân đã nhận thức sâu sắc xây dựng NTM lấy sức dân là chính, chủ thể của chương trình là người dân, Nhà nước đóng vai trò định hướng hỗ trợ,... Bộ mặt nông thôn được đổi mới, văn minh hơn. Cơ cấu lao động tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm lao động nông nghiệp, tăng dần lao động lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ,... Hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố, vững mạnh, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững và ổn định, dân chủ cơ sở được phát huy,...

 

(Với sự chung tay của người dân, nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện Thăng Bình đã khởi sắc)

Tính đến nay, tổng huy động nguồn lực để thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn huyện là hơn 2.118,289 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp, lồng ghép, tín dụng và nhân dân đóng góp. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng mới theo hướng trọng tâm, đồng bộ. Các tiêu chí đạt chuẩn NTM tăng nhanh, năm 2010 trung bình đạt 1,47 tiêu chí/xã, đến năm 2020 ước đạt bình quân 17,5 tiêu chí/xã, có 13/21 xã đạt chuẩn NTM (tăng 16,03 tiêu chí so với năm 2010), dự kiến đến cuối năm 2020 có 20 khu dân cư NTM kiểu mẫu, hiện nay đã đạt 5/9 tiêu chí huyện NTM.

Từ những kết quả đạt được đó, huyện Thăng Bình đã đề ra chủ trương xây dựng đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2023 bằng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện trong thời gian tới.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách làm trong xây dựng NTM. Coi công tác vận động, tuyên truyền xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, mặt trận và các hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. 

Tập trung chỉ đạo, triển khai xây dựng các xã còn lại đạt chuẩn NTM trước năm 2023; làm tốt công tác duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM ở các xã đã đạt chuẩn; tiếp tục quan tâm xây dựng 8 xã đã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xây dựng 23 khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển mạnh sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong đó, tập trung thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất, tiếp tục chuyển đổi đất lúa sang cây trồng cạn và cây dược liệu ổn định, trồng rừng gỗ lớn; phát triển đàn gia cầm tại các trang trại vừa và nhỏ. Tập trung thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm. Tích cực kêu gọi thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, phấn đấu lấp đầy các Cụm công nghiệp hiện có; phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số làng nghề truyền thống, ngành nghề truyền thống và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp khác có thế mạnh. Quan tâm phát triển dịch vụcó tiềm năng và lợi thế, có giá trị gia tăng cao, như du lịch, khách sạn, các dịch vụ vui chơi, giải trí, nhất là đối với các dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng trọng điểm của huyện...

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy hiệu quả. Tập trung ưu tiên nguồn lực, làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm của huyện và đầu tư xây dựng hạ tầng khung theo tiêu chí huyện nông thôn mới từ các nguồn vốn của nhà nước, các nguồn vốn khác. Về hạ tầng giao thông:Phát triển, khớp nối hạ tầng giao thông thông suốt, kết nối các tuyến giao thông chính giữa cao tốc với Quốc lộ 1A, 14E và tỉnh lộ, giữa các tuyến đường huyện (ĐH) và đường tỉnh (ĐT);quan tâm đầu tư giao thông nông thôn ở những xã chưa đạt NTM để đảm bảo tiêu chí; nâng cấp, mở rộng các tuyến đã đầu tư những năm trước, hiện nay đã xuống cấp và quá nhỏ. Xây dựng giao thông nội đồng ở những cánh đồng lớn, sản xuất tập trung, những khu vực đã thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất. Xây dựng bến xe khách tại thị trấn Hà Lam theo quy hoạch, đạt loại 4theo quy định. Đầu tư phát triển và nâng cấp các công trình đê, kè, hồ chứa, kênh mương thủy lợi, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo nước tưới, chống xói lở và chống nhiễm mặn; đồng thời tiếp tục đầu tư thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu, gắn với chuyển đổi cây trồng.Đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng điện sinh hoạt, nâng chất lượng phục vụ ở những vùng lõm điện và điện phục vụ sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục đầu tư hệ thống điện chiếu sáng ở các tuyến đường ĐT, ĐH và nhân rộng mô hình thắp sáng đường quê, nhất là ở những khu dân cư NTM kiểu mẫu.Đầu tư xây dựng Trung tâm y tế huyện, các Trạm y tế xã, trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đạt chuẩn và ít nhất 3/5 trường THPT đạt chuẩn quốc gia và đầu tư xây dựng các trường từ Mầm non đến THCS đạt chuẩn mức 2. Tổ chức triển khai GPMB, xây dựng khu xử lý chất thải rắn của huyện đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định. Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các cụm công nghiệp đã được quy hoạch, phát triển các cụm công nghiệp chế biến nông sản tại vùng Tây của huyện; phối hợp với tỉnh kêu gọi đầu tư các Khu công nghiệp theo định hướng quy hoạch trên địa bàn. Quan tâm xây dựng, nâng cấp các chợ, siêu thị mini; khuyến khích và lựa chọn đầu tư phát triển du lịch ở vùng Đông của huyện; khẩn trương đầu tư Dự án Khu lưu trútrảinghiệm Đồng Dương, Bình Định Bắc và các điểm du lịch sinh thái tại vùng Tây của huyện.

Nâng cao chất lượng các tiêu chí trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường.Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Thực hiện tốt các chương trình chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh cho nhân dân; vận động người dân tham gia các loại hình bảo hiểm y tế, phấn đấu đến cuối năm 2025 có 100% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Tổ chức tốt phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; nâng cao chất lượng xây dựng gia đình, tộc họ, thôn, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa. Có giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế đối với hộ cận nghèo, không để tái nghèo. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn đã được HĐND huyện thông qua; ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm về môi trường. Tranh thủ các nguồn lực để đầu tư các công trình nước sạch đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công vụ, xây dựng và thực hiện tốt dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường giáo dục kiến thức quốc phòng-an ninh, xây dựng lực lượng DQTV, DBĐV đảm bảo số lượng, chất lượng. Thực hiện tốt nhiệm vụ giữ ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và các tệ nạn xã hội; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh; bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.

Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành, tổ chức triển khai thực hiện của chính quyền và sự phối hợp đồng bộ của các phòng ban, mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong tham gia xây dựng NTM. Xác định, phân công rõ trách nhiệm cụ thể của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận - Đoàn thể, các cơ quan, đơn vị từ huyện đến xã, thôn trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện từng nội dung công việc trong xây dựng NTM. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo NTM cấp huyện và xã, Văn phòng điều phối NTM huyện, Ban Quản lý xây dựng NTM xã và Ban phát triển ở các thôn đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

          Kỳ vọng rằng, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp, huyện Thăng Bình sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.

MINH QUỐC

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI