OCOP GÓP PHẦN VÀO MỤC TIÊU XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Chương trình“ Mỗi xã một sản phẩm” (OCOPlà chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian qua, huyện Thăng Bình đã chú trọng triển khai thực hiện Chương trình và đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là về nhận thức của xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân.

 

(Phó chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu thăm vùng nguyên liệu tại thôn Tây Giang, xã Bình Sa vào trung tuần tháng 1).

Thành lập năm 2008 với số vốn ít ỏi ban đầu, anh Huỳnh Văn Mỹ, tổ 2 thôn Tú Trà xã Bình Chánh tập trung khắc phục khó khăn, chú trọng đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm bún khô Thành Mỹ hiện có mặt ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi ngày anh xuất bán từ 4-5 tạ bún khô, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho 6 lao động tại địa phương. Đặc biệt, đây là sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao tỉnh Quảng Nam năm 2020. Bà Nguyễn Thị Thạnh, Phó chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho hay, ngoài sản phẩm trên, địa phương còn có thêm Tinh dầu sả chanh Hoàng Kim ở thôn Ngũ Xã đạt chuẩn 3 sao. Riêng trong năm 2022 này, Bình Chánh phấn đấu có thêm 2 sản phẩm đạt chuẩn nữa. “ Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các chủ sản phẩm Ocop này để tiếp tục đưa sản phẩm quảng bá trên sàn giao dịch thương mại điện tử để buôn bán thuận lợi hơn. Địa phương sẽ mời các chủ Ocop đã đạt chuẩn 3 sao tiếp tục nâng chuẩn lên 4 sao,  hỗ trợ một phần kinh phí để các sản phẩm có điều kiện để tiếp tục đầu tư mở rộng.”- Bà Thạnh nói.

 

 

Sản phẩm Yến tinh chế sấy khô (công ty Yến sào Đất Quảng) đang nâng chuẩn lên 5 sao trong năm 2022.

Căn phòng sơ chế Yến của Công ty TNHH MTV Yến sào Đất Quảng ở xã Bình Đào luôn được khử khuẩn hoàn toàn, mọi vật dụng đều được vệ sinh sạch sẽ, nguồn nước sử dụng đảm bảo an toàn. Công nhân trước khi bước vào làm việc đều trang bị bảo hộ, rửa tay sát khuẩn. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất và chế biến, sản phẩm yến tinh chế sấy khô của Công ty đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao vào năm 2019. Hiện nay, sản phẩm yến tinh chế sấy khô đang tham gia thi nâng hạng lên 5 sao của chương trình OCOP của tỉnh. Để đạt chứng nhận này, Công ty luôn tuân thủ quy trình chế biến theo tiêu chuẩn HACCP; ổn định liên kết sản xuất với 30 hộ nuôi yến trong nhà theo phương pháp nuôi yến trong nhà trên thanh đá tự nhiên; xây dựng khu trình diễn nghề nuôi yến kết hợp với du lịch để quảng bá thương hiệu Yến sào Đất Quảng, đồng thời tích cực tham gia giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử. “Khi lên sàn giao dịch thương mại điện tử, từ trang chính thống của nhà nước, thì sản phẩm mình uy tín, sẽ được cơ quan chức năng giám sát được chất lượng, tiêu chuẩn, đảm bảo tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó, sẽ rộng mở hơn cho tương lai sản phẩm của mình”- Ông Trần Hữu Long, giám đốc công ty khẳng định.

 

(Nhiều chủ cơ sở đang biến những sản vật quê hương thành đặc sản mang đến với người tiêu dùng)

Ông Trần Hữu Tịnh, giám đốc HTXNN Thanh niên Thăng Bình cho rằng, việc đưa sản phẩm Ocop lên sàn giao dịch thương mại điên tử là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp hiện nay. Khi được người tiêu dùng ở mọi miền Tổ quốc biết đến, thì những sản phẩm làm ra sẽ chất lượng hơn rất nhiều, từ đó mở rộng thêm vùng sản xuất và giải quyết việc làm cho người dân. “Sản phẩm Ocop nếu phát triển thì gắn với chuỗi sản xuất, mà chuỗi sản xuất thì liên kết mở rộng vùng nguyên liệu, liên quan đến giải quyết nguồn lao động, tạo công văn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng đó, cũng như tạo ra một giá trị hàng hóa nông sản được nâng cao hơn so với trước đây.- Ông Tịnh cho biết thêm.

 

(Dầu tràm Linh Vũ ( Bình Sa) vừa được công nhận là sản phẩm nông thôn tiêu biểu năm 2021).

Năm 2021 vừa qua, Thăng Bình có 1 sản phẩm được UBND Tỉnh công nhận đạt chuẩn 3 sao, đó là Nước mắm nhĩ Cá cơm ở xã Bình Dương, và một sản phẩm đạt chuẩn 4 sao là Trà cà gai leo Đại Việt ở Bình Định Nam. Nâng tổng số sản phẩm đạt chuẩn OCOP trên địa bàn huyện từ năm 2018 đến nay lên con số 24. Theo ngành chức năng của huyện, việc xây dựng chương trình Ocop, góp phần tăng thêm thu nhập cho chủ thể cũng như người dân thông qua việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là điều đã thấy rõ. Tuy nhiên, để tiếp tục mang những sản phẩm mang tính đăc trưng riêng của Thăng Bình đến với người tiêu dùng mọi miền đất nước, huyện đã có những kế hoạch cụ thể. “ Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ cụ thể cho các sản phẩm Ocop, tiền OCOP, đồng thời phối hợp mở một trung tâm ocop của huyện và các địa điểm bán hàng ocop trên địa bàn để kích thích, hỗ trợ cho các chủ thể, thông qua đó liên kết sản xuất và phát triển đươc thị trường- ông Đoàn Thanh Khiết, Trưởng Phòng NN & PTNT huyện cho biết.

Có thể nói, chương trình OCOP là "sân chơi" rất rộng, mang tính chủ lực của từng địa phương, giúp các HTX, người dân tạo được giá trị gia tăng cho sản phẩm. Để sản phẩm OCOP mang lại kinh tế ngay lập tức cho người dân thì cần phải có thời gian, nhưng về lâu dài, các sản phẩm OCOP sẽ mang lại thu nhập ổn định và bền vững cho người dân. Các sản phẩm khi được công nhận OCOP sẽ được quảng bá đi xa hơn, cao hơn, từ đó được nhiều người biết đến. Đây là tiền đề để các sản phẩm của người dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ tốt hơn, giúp người dân,  HTX nâng cao thu nhập theo đúng định hướng của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

TC - VH

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI