Đổi thay Hưng Mỹ

Những năm qua, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, người dân thôn Hưng Mỹ (Bình Triều) đã tự nguyện góp tiền của, công sức, hiến cây cối, vật kiến trúc và xây dựng lại tường rào, cổng ngõ… tạo bộ mặt làng quê ngày càng khởi khắc, khang trang. 

Ảnh: Tuyến đường về làng rau Hưng Mỹ

Cả đời người gắn bó với quê hương Hưng Mỹ, nhưng mãi tới hôm nay ông Nguyễn Văn Học, ở tổ 2, thôn Hưng Mỹ mới cảm nhận được niềm vui lớn của đời mình, bởi vào tháng 8.2018, tuyến đường bê tông giao thông nội đồng nối từ đường ĐH Tây Trường Giang xuống các cánh đồng Khe Cừa – Vũng Quán dài hơn 500m đi ngang qua nhà mình được hoàn thành, rộng 3m theo đúng tiêu chuẩn đường bê tông giao thông nội đồng. Những tháng ngày qua, việc đi lại và sản xuất của gia đình ông cùng với nhiều hộ dân khác trong tổ được thuận lợi hơn. “Ngày trước tuyến đường này là đường huyết mạch của thôn Hưng Mỹ đi qua các xã Bình Sa, Bình Đào và đi ngang qua các cánh đồng, nhưng là đường nhỏ, vào mùa mưa thì ngập trắng, khi vào vụ sản xuất cũng như thu hoạch nông sản, tôi và người dân rất vất vả bởi công đoạn vận chuyển phân bón, giống ra đồng và nông sản về nhà. Giờ đây tuyến đường được bê tông hóa, người dân chúng tôi rất mừng” - ông Học nói.

  Trong ký ức của những người dân nơi đây, nhiều năm trước, tuyến đường giao thông nội đồng vào làng nghề trồng rau Hưng Mỹ nối từ tổ 5 đến tổ 6 dài hơn 800m chỉ là tuyến đường mòn nhỏ, đi lại hết sức khó khăn. Chính vì vậy, khi xã, thôn tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích của việc thực hiện chủ trương làm bê tông tuyến đường này bà con nhân dân trên địa bàn rất phấn khởi, đồng tình ủng hộ. Nhiều hộ dân tình nguyện hiến đất, cây cối, đóng góp công sức như: ông Trương Công Anh hiến 50m2 đất sản xuất; ông Lê Đình Hơn, Nguyễn Văn Đức hiến hàng chục cây tre, cây mù u để tuyến đường sớm được hoàn thành.

Ông Huỳnh Viết Tiến, Bí thư chi bộ thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều cho biết, năm 2018 đánh dấu những thành quả lớn trong công cuộc xây dựng quê hương của người dân thôn Hưng Mỹ khi được UBND tỉnh Quảng Nam và huyện Thăng Bình đầu tư làm mới và đưa vào sử dụng được gần 2,5 km đường bê tông giao thông nông thôn và gần 1,5 km đường giao thông nội đồng. “Đặc biệt là gần 2 km đường ĐH 9 nối từ ngã ba Ngọc Phô xuống thôn Hưng Mỹ đã tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, bởi tuyến đường này trước đây được nhà nước hai lần thảm nhựa nhưng xuống cấp nhanh tạo nên hố to, nhỏ nhiều vô kể, nhân dân đi lại khó khăn, giờ nhà nước làm tuyến đường bê tông rộng như thế này, nhân dân rất phấn khởi”- ông Huỳnh Viết Tiến nói.

Để giúp người dân sản xuất rau được thuận lợi, mới đây Tổ chức JICA (Nhật Bản) đã hỗ trợ các hộ trồng rau làm các giàn lưới giúp che chắn rau lúc thời tiết nắng nóng cũng như mưa liên tục. Điều này kỳ vọng sẽ giúp cho người trồng rau ở Hưng Mỹ sản xuất quanh năm mà không lo ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết. Gia đình chị Trịnh Thị Nở (Hưng Mỹ) được hỗ trợ 300 mét vuông nhà lưới che kiên cố, bể rửa rau, máy bơm nước từ tổ chức JICA. Chị Nở cho rằng, nếu được đầu tư như thế này thì làng rau chúng tôi sẽ không lo bị sụt giảm diện tích mỗi khi thời tiết nắng nóng kéo dài hay mưa liên tục. Còn với gia đình chị Ngô Thị Hằng, ngay khi được hỗ trợ nhà lưới che chị tích cực trồng thêm các loại rau ngắn ngày để bán dịp tết năm nay. Chị Ngô Thị Hằng chia sẻ: “Từ bao đời nay, cây rau đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Từ chuyện trang trải cái ăn đến việc cho con cái học hành và những lo toan của cuộc sống thường ngày, tất cả cũng nhờ từ việc trồng rau, chừ có nhà lưới như ri thì rất thuận lợi cho người dân chúng tôi”.

Ông Nguyễn Ba – Chủ tịch UBND xã Bình Triều cho biết: Thôn Hưng Mỹ hiện có gần 90% hộ dân trồng rau, mỗi năm làng rau Hưng Mỹ xuất bán ra thị trường hơn 300 tấn rau các loại. Những năm qua, người trồng rau ở Hưng Mỹ đã áp dụng các giải pháp công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắc khe của khách hàng nhờ vào việc sản xuất rau theo hướng an toàn VietGap. “Hiện nay, đời sống người dân thôn Hưng Mỹ được nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân đạt hơn 38,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,28%”.

Đổi thay  ở Hưng Mỹ còn phải kể đến việc người dân nơi đây cùng nhau xây dựng quê hương xanh – sạch – đẹp,  gắn với thực hiện gia đình 5 không - 3 sạch. Dẫn chúng tôi đi quan sát thực tế một số tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng trên địa bàn thôn, ông Phan Văn Nhâm - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn cho biết thêm: “Hiện nay, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường được nâng lên, thông qua các buổi họp dân, các hội đoàn thể của thôn, xã luôn dành thời gian tuyên truyền về bảo vệ môi trường chính là bảo vệ môi trường sống của mỗi người. Hưng Mỹ có 85% hộ dân tham gia mô hình thu gom rác thải sinh hoạt trong khu dân cư và thu gom thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng; nhiều hộ dân cải tạo sân vườn, trồng hoa cây cảnh, chuyển chuồng trại chăn nuôi ra sau nhà, góp phần tạo cảnh quan thoáng mát”.

Một miền quê đã hiện dần khung cảnh khang trang, trù phú, tương lai không chỉ phát triển kinh tế mà còn là điểm đến của các tour du lịch sinh thái đầy hấp dẫn - Đó là thôn Hưng Mỹ xã Bình Triêù, nơi có làng nghề truyền thống nổi tiếng trồng rau từ rất lâu đời./.                          

                                                                                                     Minh Tân

                                                                                        

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI