Bức tranh kinh tế mới ở Bình Nam

Dẫu thiên tai diễn biến phức tạp, giá cả biến động ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân, nhưng chính từ trong những khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Nam (Thăng Bình) đã tạo ra bức tranh kinh tế  mới trên vùng cát trắng này.

  Tích tụ ruộng đất tập trung

 Là một trong hơn 100 hộ nông dân tham gia vào mô hình tích tụ tập trung ruộng đất bắt đầu từ vụ Đông- Xuân 2016- 2017, ông Trần Văn Thuận- người dân tổ 4, thôn Thái Đông, xã Bình Nam tỏ ra rất phấn khởi. Toàn bộ 7,5 sào đất của gia đình ông và các hộ khác được tập trung thành cánh đồng có diện tích 20ha. Tham gia mô hình này, bà con nông dân được cán bộ hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ xã Bình Nam hướng dẫn, triển khai phương thức làm nông nghiệp mới mang lại hiệu quả cao. Những khái niệm về cánh đồng mẫu, cánh đồng tập trung, cơ giới hóa dần trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Không còn thấy hình ảnh con trâu đi trước, mà giờ đây  máy cày, máy gặt đập liên hợp “reo vang” trên cánh đồng lớn này. Năng suất lúa cao hơn, ít tốn công lao động và dễ dàng áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất là những hiệu quả thiết thực mà mô hình này mang lại cho những người nông dân như ông Thuận. Ông vui mừng kể với chúng tôi, việc làm lúa bây giờ đã trở nên dễ dàng hơn với người dân quê ông, trước kia dẫu có mơ ông và bà con nơi đây cũng chưa từng nghĩ sẽ có ngày máy móc ầm ầm giòn tan trên ruộng, rồi chẳng mấy chốc, cánh đồng xanh mượt một thửa dài rộng, không những thế, năng suất lúa lại cao hơn. “Ngày trước mỗi người sạ mỗi giống lúa, nên sâu bệnh nhiều, bây giờ, cả cánh đồng lớn chỉ sạ một loại giống, không cần phải phun thuốc nữa. Năng suất cao hơn khoảng 30% mà giá lúa bán cho hợp tác xã cũng cao hơn ở ngoài.” - ông Thuận cho biết thêm.

Ảnh: Mô hình tích tụ tập trung ruộng đất đã mang lại những hiệu quả tích cực cho ngành nông nghiệp của xã Bình Nam.

Theo ông Nguyễn Xuân Cảnh- Phó chủ tịch UBND xã Bình Nam, khi mới triển khai thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất, địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tư tưởng sản xuất theo kiểu truyền thống vẫn còn ăn sâu trong nếp nghĩ của bà con. Khi tập trung tích tụ, bà con rất sợ mất đất. Nhưng sau nhiều lần họp dân, tiến hành từng bước một, từ thông tin chủ trương đến hợp tác xã thông qua hợp đồng liên kết, phương án sản xuất và sau khi mọi người đã thống nhất thì ký kết hợp đồng. nhờ đó mà giữa nông dân và hợp tác xã đã có tiếng nói chung trong thực hiện mô hình này. Ông Cảnh cho biết: “Trong năm 2017, địa phương đã thực hiện được 60 ha, trong đó sản xuất lúa là 20ha, còn lại là lạc. Năng suất lúa đạt 53 tạ/ha, còn lạc thì 20 tạ/ha. Đặc biệt, giá trị nông sản bán ra cao hơn 20% giá trị thương phẩm. Hiện nay chúng tôi đang thực hiện tiếp tục 18ha sản xuất lúa. Về cơ giới hóa thì đến nay trên địa bàn đã có 6 máy gặt đập liên hợp, 14 máy cày bốn bánh. Hơn nữa, xu hướng hiện nay, các lao động trẻ chủ yếu làm việc ở khu công nghiệp Tam Thăng, còn lại làm nông đa số là người lớn tuổi nên không còn đủ sức làm theo hướng truyền thống. Vì vậy, mô hình này rất hiệu quả đối với địa phương. Và đặc biệt, nông dân đã có niềm tin vào hợp tác xã.”

 

  Phát triển các mô hình hợp tác

Hiện nay, ngoài hợp tác xã Nông nghiệp- Dịch vụ Bình Nam, địa phương còn có 2 tổ hợp tác, đó là tổ hợp tác ép dầu và tổ hợp tác chăn nuôi gà. Có thể, con số này là chưa nhiều, nhưng, đây chính là những dấu hiệu đáng mừng thể hiện tâm thế của người Bình Nam trong phát triển sản xuất và hứa hẹn cho sự khởi sắc của kinh tế địa phương.  Bởi nhìn quy mô bây giờ của tổ hợp tác nuôi gà ở thôn Tịch Yên với số lượng hơn 45 nghìn con gà mỗi năm, ít ai biết, khởi phát của nơi này chỉ từ một gia trại nhỏ với những tấm bạt được giăng lại làm chuồng và nay mỗi năm tổ hợp tác thu được khoảng từ 600 đến 900 triệu đồng. Và trong tương lai không xa, thương hiệu gà sạch Bình Nam sẽ vươn ra nhiều tỉnh, thành khác.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Tốt- Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Nam cho biết, song song với việc cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để nâng cao hiệu quả nông nghiệp, xã Bình Nam còn tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tiểu thủ công nghiệp- thương mại dịch vụ. Địa phương phấn dấu chuyển dần lao động nông nghiệp sang công nghiệp và các dịch vụ khác. Các hoạt động thương mại dịch vụ với các loại hình kinh doanh ở địa phương đang ngày càng đa dạng từng bước đáp ứng được nhu cầu vật tư phục vụ sản xuất, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhân dân trong và ngoài địa phương.

“Năm 2017, Bình Nam là Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu, chính quyền được đánh giá là chính quyền xuất sắc của cụm cánh đông. Đó là những tiền đề quan trọng để Bình Nam tiếp tục phấn đấu, phát triển trong những năm đến. Và để hoàn thành mục tiêu phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2019 thì trong năm 2018 địa phương sẽ họp và giao các cơ quan, ban ngành rà soát lại các tiêu chí đảm nhận và phải có biện pháp để thực hiện ngay trong năm nay.”- ông Trần Văn Tốt cho biết thêm./.

THU SƯƠNG

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI