PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19

Bình Nam đạt chuẩn xã nông thôn mới

Phát động xây dựng nông thôn mới từ năm 2013, đến nay, xã Bình Nam (Thăng Bình) đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Có được kết quả này, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thì phải nói đến sự đồng thuận cao của người dân trong thực hiện từng tiêu chí xã nông thôn mới (NTM).

 

Trung tâm xã Bình Nam nhìn từ trên cao.

Với cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó nhà nước hỗ trợ vật liệu cát, sạn, xi măng, người dân hiến đất, góp công… tuyến đường giao thông nội đồng ở thôn Đông Tác (xã Bình Nam, Thăng Bình) đã hoàn thành tạo thuận lợi cho việc đi lại và sản xuất của người dân.

Canh tác 5 sào lúa ở cánh đồng thôn Đông Tác, ông Lê Thanh Cường – thôn Đông Tác (xã Bình Nam, Thăng Bình) cho biết, trước đây còn đường đất, việc vận chuyển phân bón ra ruộng và lúa, rơm sau thu hoạch về nhà rất khó khăn. Từ khi tuyến đường bê tông nội đồng hoàn thành mọi chuyện đã thuận lợi hơn. “Nhiều người có ruộng trên cánh đồng này trước đây bón phân cho lúa, hoa màu ít, do bón phân chuồng, vận chuyển trên đường đất khó khăn, nhất là vào mùa mưa; chừ có đường bê tông nên người dân vận chuyển phân chuồng ra ruộng dễ hơn, bón phân cho lúa nhiều hơn, năng suất cao hơn” – ông Lê Thanh Cường nói.

Đến nay, Bình Nam đã bê tông được 86% trục chính được giao thông nội đồng, tạo thuận lợi cho việc áp dụng máy móc vào sản xuất. Ông Trần Văn Ninh – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp (HTX NN) Bình Nam (xã Bình Nam, Thăng Bình) cho biết, nhiều tuyến đường giao thông nội đồng được bê tông, nên HTX đã mạnh dạn trang bị máy cày, máy gặt đập liên hợp để áp dụng vào làm đất và thu hoạch lúa. Qua đó đã giảm công lao động, hiệu quả công việc cao hơn. Hiện nay, HTX đã thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất (TTTTRĐ) được 92,7 ha bằng việc khoán hoặc thuê đất lại của nông dân để sản xuất lúa, đậu phụng, trồng sen. “Đường giao thông nội đồng được làm bê tông nên từ khâu làm đất đến thu hoạch HTX cũng áp dụng máy móc, qua đó giảm công lao động, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như thu nhập cho người dân” – ông Trần Văn Ninh nói.

 

Giao thông nội đồng được xã Bình Nam đầu tư, thuận lợi cho đi lại và sản xuất của người dân.

Cùng với đầu tư làm đường giao thông nội đồng, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, Bình Nam còn khuyến khích người dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Tận dụng diện tích đất vườn rộng, xa khu dân cư, anh Hồ Quang Hỷ - thôn Thái Đông (Bình Nam, Thăng Bình) đã mạnh dạn đầu tư làm 6 trại nuôi gà thịt, với diện tích khoảng 7.000 mét vuông, mỗi năm anh xuất bán từ 12 ngàn đến 15 ngàn con gà, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Anh Hồ Quang Hỷ cho biết, con gà phù hợp với đất cát, ngoài ra tận dụng diện tích rộng nên kết hợp nuôi gà với trồng cỏ, gà vừa có thức ăn xanh vừa có chỗ nằm mát, nên lông đẹp, chất lượng thịt ngon hơn, thương lái thích mua. “Trước đây làm nông thu nhập bấp bênh. Từ khi chăn nuôi gà, gia đình có điều kiện trang trải cuộc sống, cho con cái học hành, xây dựng nhà cửa khang trang” - anh Hồ Quang Hỷ nói.

Ông Phạm Công Quốc - Chủ tịch UBND xã Bình Nam (Thăng Bình) cho biết, sau 10 năm xây dựng xã NTM, cùng với nhà nước đầu tư, Bình Nam làm được hơn 40 km đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng, hơn 7 km kênh mương thủy lợi, tạo thuận lợi cho việc đi lại và sản xuất của nhân dân; cảnh quan môi trường, đường làng ngõ xóm sáng – xanh – sạch – đẹp… “Từng tiêu chí xã NTM đã được đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Nam cụ thể hóa bằng những nội dung và phần việc cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến rõ nét trên từng địa bàn khu dân cư. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Bình Nam đạt hơn 47 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 31triệu đồng/người/năm so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn NTM giảm còn 0,87%... đó như một lời khẳng định cho những nỗ lực vươn lên của đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân xã Bình Nam” – ông Phạm Công Quốc nói.

MINH TÂN - HỒNG NĂM

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI