Truyền thông ý tưởng phòng chống tai nạn đuối nước

Lần đầu tiên một hội thi truyền thông ý tưởng phòng chống tai nạn đuối nước được Huyện Đoàn Thăng Bình tổ chức. Bằng chính sự hiểu biết của bản thân và thực tế diễn ra ở địa phương, những thanh thiếu niên đến từ 22 Đoàn xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thăng Bình đã đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo và không kém phần thiết thực. 

Nhiều giải pháp phòng chống tai nạn đuối nước đã được các em đề xuất tại hội thi

          Theo em Nguyễn Tấn Nhựt (xã Bình Minh), thực tế trên địa bàn huyện, số trẻ biết bơi chủ yếu do nhà gần sông, biển, số khác học từ các bạn cùng trang lứa khi đi tắm tại sông, suối, biển. Điều này rất nguy hiểm vì khi các em tự dạy nhau, người dạy chưa có kinh nghiệm và sức khỏe để cứu đuối khi gặp sự cố. Vì vậy, nếu có một chiếc phao phù hợp để học bơi và phòng khi tắm sông, suối, ao hồ, biển thì độ bảo vệ an toàn cho trẻ sẽ tốt hơn. Đại diện đơn vị Bình Minh đề xuất ý tưởng thiết kế phao tập bơi giá rẻ. Theo đó, với vật liệu là các cục niễn trôi nổi tại biển với thiết kế hình trụ hoặc tròn rộng 21cm, dài 32cm, dày 5cm, có độ nổi nước 3kg; sau đó dùng mành, trủ đã qua sử dụng của các tàu buộc chặt những niễn này lại thành hình trụ hay tròn. Tiếp theo, thêm một lớp trủ ngoài có dây rút để trẻ có thể dùng tay bám vào. Bằng việc đưa vào sử dụng thử, Nhựt cho biết sản phẩm này có tính khả thi khi áp dụng ở vùng nông thôn địa hình sông, biển phức tạp và những gia đình trẻ có thu nhập thấp, không có điều kiện để mua dụng cụ phòng vệ cho con khi bơi cũng như không có điều kiện để tiếp cận với các bể bơi công cộng để tập bơi. Hơn nữa, với việc làm phao bằng những vật liệu như niễn, mành hay trủ, đây đều là những vật liệu tái sử dụng, ngoài tiết kiệm chi phí còn giúp bảo vệ môi trường.

           Cùng quan điểm, em Nguyễn Đoàn Bảo Châu (xã Bình Chánh) cho rằng, nói về tai nạn đuối nước thì giải pháp cho thanh thiếu nhi học bơi là giải pháp hàng đầu. Khi các em biết bơi thì sẽ có kỹ năng phòng tránh và xử lý khi gặp sự cố. Tuy nhiên, với những học sinh ở các cánh tây của huyện như Bảo Châu thì việc học bơi rất khó vì không có hồ bơi. Với ý tưởng “đưa bể bơi đến với trẻ em nông thôn”, Châu đề xuất, lý tưởng nhất là mỗi xã đầu tư 1 bể bơi an toàn và có giáo viên hướng dẫn. Tuy nhiên, việc xây dựng bể bơi an toàn ở mỗi xã thì rất khó. Vì vậy, em đưa ra giải pháp 2-3 xã liền kề xây dựng một bể bơi. Đó có thể là hồ bơi cố định hoặc bể bơi di động được lắp đặt bằng vật liệu composite hoặc các túi nước khổng lồ để dạy bơi cho trẻ em. Cùng với đó, vận động các cá nhân, tổ chức xây dựng hồ bơi để kinh doanh.

          Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác đề xuất các biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống tai nạn đuối nước như  tổ chức nhiều cuộc thi tuyên truyền, thực hành kỹ năng bơi lội, kỹ năng sơ cấp cứu khi gặp đuối nước;… Theo anh Châu Xuân Quang- Phó Bí thư Huyện Đoàn, hội thi này nhằm tiếp tục triển khai cuộc vận động “mỗi thanh niên 1 ý tưởng sáng tạo”, đồng thời, tuyên truyền trong thanh thiếu nhi về phòng chống tai nạn đuối nước. Đây chính là cơ hội để các em được tự tin bày tỏ, nói lên những mong muốn, ý tưởng của mình về vấn đề liên quan đến trẻ em. Hội thi càng có sức lan tỏa khi được tổ chức lồng ghép trong chương trình Trại hè thanh thiếu nhi năm 2019 của Huyện Đoàn Thăng Bình, rất đông thanh thiếu nhi trên toàn huyện đã tham gia cổ vũ cho hoạt động này. Cũng theo anh Quang, việc tổ chức dưới hình thức thi phát thanh đã tạo cho các em kỹ năng dàn dựng chương trình, đứng trước đám đông, mạnh dạn trình bày những ý tưởng do chính các em nghĩ ra.

          Kết thúc hội thi, ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đơn vị xã Bình Chánh, giải Nhì cho đơn vị Bình Minh, giải Ba cho đơn vị thị trấn Hà Lam và giải Khuyến khích là đơn vị Bình Đào. Hội thi kết thúc nhưng những ý tưởng của các em, không khí cởi mở, sôi nổi trong suốt thời gian diễn ra hội thi thì vẫn còn đó, trong lòng thí sinh và đông đảo thanh thiếu nhi Thăng Bình./.

Thu Sương- Trung Thực

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI