PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19

Dấu ấn 20 năm ngày hội Đại đoàn kết ở Thăng Bình

20 năm qua (2003 - 2023)ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã được các khu dân cư (KDC) trên địa bàn huyện Thăng Bình tổ chức trong không khí vui tươi, phấn khởi. Với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: trao nhà đại đoàn kết, tặng quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khănkhen thưởng gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa tiêu biểu...Qua đó đã góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn huyện.

 

Ông Nguyễn Thanh Phong – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình khen thưởng các tập thể tiêu biểu qua 20 năm

tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Nguyễn Thanh Phong – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình cho biết, những năm qua,ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được 106/106 KDC trên địa bàn huyện tổ chức với những điểm nhấn, sắc thái riêng của mỗi địa phương. Nhưng nhìn chung ngày hội được các KDC tổ chức gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, các KDC đã ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam qua các thời kỳ, tổng kết 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC” nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và thống nhất chương trình hành động trong năm đến; đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đồng thời tổ chức khen thưởng những tập thể, cá nhân xuất sắc trong các cuộc vận động; biểu dương các tộc họ, gia đình văn hóa, gia đình hiếu học tiêu biểu trong năm; trao biểu trưng hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Qua 20 năm, các KDC trên địa bàn huyệnThăng Bình đã tuyên dương, khen thưởng gần 5.900 lượt tập thể và hơn 13.500 lượt hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu; trao biểu trưng hỗ trợ xây mới, sửa chữa 261 nhà “Đại đoàn kết”, với số tiền 7,7 tỷ đồng.

 

Lãnh đạo Mặt trận tỉnh trao biểu trưng xây nhà đại đoàn kết cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại ngày hội.

Phần hội được các KDC tổ chức thi đấu các môn thể thao như đua thuyền, cờ tướng, cờ vua, bóng chuyền; hay tổ chức các trò chơi như đổ nước vào chai, bịt mắt nấu cơm, bịt mắt bắt vịt, đập ôm đất… tạo không khí vui tươi trong ngày hội. Cũng vào dịp này, các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu HĐND của tỉnh, huyện, xã tham gia ứng cử ở các KDC cũng về dự, chung vui, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải đáp những vướng mắc của bà con.

 

Các địa phương khen thưởng cho các tập thể tiêu biểu.

Năm 2015, niềm vui trong ngày hội đại đoàn kết với người dân thôn Ngũ Xã (xã Bình Chánh, Thăng Bình) như được nhân lên, khi nhà văn hóa thôn và các thiết chế văn hóa bên trong nhà văn hóa được hoàn thiện phục vụ nhu cầu hội, họp cũng như tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao của thôn. Ông Đoàn Ngọc Dũng – Trưởng ban công tác mặt trận (CTMT) thôn Ngũ Xã (Bình Chánh, Thăng Bình) cho biết, mặc dù điều kiện kinh tế của bà con trong thôn còn nhiều khó khăn nhưng khi thôn vận động đóng góp kinh phí để làm nhà văn hóa thôn thì bà con trong thôn rất hưởng ứng và đã đóng góp được hơn 160 triệu đồng, cùng với kinh phí nhà nước hỗ trợ, nhà văn hóa thôn đã hoàn thành. “Từ khi có nhà văn hóa thôn đến nay, mỗi khi thôn tổ chức các buổi họp và đặc biệt là vào dịp ngày hội đại đoàn kết, nhân dân tham gia rất đông. Bởi trong ngày đại đoàn kết cùng với phần lễ chúng tôi luôn chú trọng tổ chức phần hội với các trò chơi dân gian, các môn thể thao và đặc biệt là tổ chức bữa cơm đoàn kết, để tạo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm” – ông Đoàn Ngọc Dũng nói.

 

Nhà văn hóa thôn Ngũ Xã (Bình Chánh) hoàn thành thuận lợi cho tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao của thôn.

Còn với người dân thôn Duy Hà (xã Bình Dương, Thăng Bình) trở về sau những ngày lênh đênh trên sóng nước ngoài khơi xa hay tạm gác những chuyến đi cá, đi mắm, họ lại tay bắt mặt mừng tham dự ngày hội đại đoàn kết ở KDC và trong câu chuyện của họ, ngoài việc kể cho nhau nghe về những chuyến đi biển, còn là những câu hỏi qua lại chân tình về tình làng nghĩa xóm. Ông Đặng Minh Vương - Trưởng ban CTMT thôn Duy Hà, xã Bình Dương cho biết, trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, người dân làm ăn, học tập từ khắp nơi tập trung về nhà văn hóa thôn, hỏi thăm nhau, tâm sự về chuyện nhà mình, thôn mình có được gia đình văn hóa, thôn văn hóa và được mấy năm liền rồi. Như vậy, nhà ai chưa được, thôn chưa được thôn văn hóa, thì họ cùng tâm sự cùng nhau, cố gắng thêm để năm sau đạt.

 

Từ ngày hội, tình đoàn kết, cố kết cộng đồng trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được thắt chặt hơn.

Nhìn chung,trong 20 năm qua, việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở KDC được 100%KDC trên địa bàn huyện tổ chức. Thông qua ngày hội, công tác xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở tiếp tục được nhiều địa phương quan tâm. Đến nay, 106/106 thôn, khu phố đã xây dựng nhà văn hóa, nhiều nhà văn hoá thôn phát huy được hiệu quả như tổ chức họp dân, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao; ngoài ra, các địa phương còn vận động xây dựng 356 công trình như: tường rào, cổng ngõ, các thiết bị bên trong nhà văn hóa… với tổng trị giá gần 7,8 tỷ đồng.

Có thể khẳng định rằng, chính từ ngày hội, tình đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được thắt chặt hơn. Ngày hội cũng là dịp để mỗi thành viên đang sinh sống, học tập và làm việc bên ngoài cộng đồng được hội tụ gia đình, góp công, góp sức tham gia xây dựng quê hương. “Tham gia ngày hội, nhân dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của địa phương, thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, đoàn kết, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện, nhất là thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay” - ông Nguyễn Thanh Phong nói.

MINH TÂN - HỒNG NĂM

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI