Bình Minh đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, cận nghèo

Lần đầu tiên UBMTTQVN xã Bình Minh (Thăng Bình) phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tổ chức buổi gặp gỡ trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của 127 hộ nghèo, cận nghèo để thực hiện việc hỗ trợ theo  đúng phương châm “Trao cái người nghèo cần chứ không cho cái mình có”.

Mặc dù phải bận rộn trước thời điểm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2018, thế nhưng 127 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Bình Minh vẫn có mặt đúng giờ để đối thoại với lãnh đạo địa phương. Mở đầu buổi đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo năm 2018, Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh Trần Văn Tám đã cảm ơn sự có mặt đông đủ của bà con. Bởi lẽ, ít có cuộc họp nào mà thu hút được đông đảo người dân tham gia như buổi đối thoại cuối năm này. Đồng thời, ông Tám cũng đã xin lỗi các hộ nghèo, cận nghèo vì đã tổ chức đối thoại sát thời điểm Tết Nguyên đán như vậy. Thế nhưng đây mới là thời điểm mà các hộ nghèo, cận nghèo đi làm ăn xa đã trở về đề sum vầy với gia đình. Như vậy, địa phương mới có thể tổng hợp được những ý kiến, kiến nghị của bà con. Sau lời mở đầu, Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh đã thông tin nhanh một số cơ chế chính sách hỗ trợ  khuyến khích đối với hộ nghèo, cận nghèo đăng ký thoát nghèo năm 2018 do cấp trên ban hành.

Buổi đối thoại đã thu hút đông hộ nghèo, cận nghèo tham gia.

Tại buổi đối thoại, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình trước lãnh đạo địa phương. Bà Trương Thị Trọn (53 tuổi thôn Hà Bình)  do cuộc sống khó khăn của người mẹ đơn thân nên mấy năm liền bà nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, cô con gái đã lớn, bà Trọn ra Đà Nẵng phụ việc nhà kiếm thêm thu nhập. Vậy nên sau khi được nghe  thông tin về một số chính sách hỗ trợ đối với hộ đăng ký thoát nghèo,  bà  Trọn đã giơ tay xin đăng ký thoát nghèo trong năm 2018.  Bà Trọn cho hay: “Bản thân tôi muốn thấy đăng ký thoát nghèo để được hỗ trợ vay vốn. Tôi muốn có một số vốn kha khá để chăn nuôi phát triển kinh tế. Bây giờ tôi còn tuổi lao động thì phải tự mình vươn lên”.

Còn đối với hộ bà Đinh Thị Chín (60 tuổi thôn Bình Tân), mặc dù hai vợ chồng có đến 5 mặt con, hiện chồng đang bị tai biến. Thế nhưng bản thân bà cũng xin được thoát khỏi hộ nghèo năm 2018. Bởi theo bà Chín nếu đăng ký thoát nghèo mà kèm theo các chính sách như vay vốn và hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn, hỗ trợ bảo hiểm y tế và được thưởng 5 triệu đồng, thì bà quyết tâm thoát nghèo. Tuy nhiên, bà mong muốn các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục hỗ trợ bà trong thời gian đến để thoát nghèo bền vững  bằng việc trao phương tiện sinh kế.

Tại buổi đối thoại đã có gần 15 hộ nghèo, cận nghèo xin đăng ký thoát nghèo năm 2018. Đồng thời, các hộ nghèo, cận nghèo đã nêu lên ý kiến, tâm tư nguyện vọng  được vay vốn, hỗ trợ để xây dựng và sửa chữa nhà ở, phương tiện sinh kế. Các ý kiến, kiến nghị đã được lãnh đạo địa phương ghi nhận và trao đổi ngay tại buổi đối thoại. Theo bà Nguyễn Thị Hoa- chủ tịch UBMTTQVN xã Bình Minh, hiện nay, toàn xã Bình Minh có 123 hộ nghèo và 105 hộ cận nghèo. “Qua rà soát, trong 123 hộ nghèo thì có đến 60 hộ nằm trong diện già yếu không thể thoát nghèo, chúng tôi đã  lựa chọn mời 127 hộ nghèo, cận nghèo có thể thoát nghèo tổ chức đối thoại. Sau buổi đối thoại, chúng tôi họp trực tiếp với các Hội đoàn thể tại địa phương để xét chọn hỗ trợ đối với các hộ đã đăng ký thoát nghèo tại buổi đối thoại.  Nếu hộ nghèo đã đăng ký thoát nghèo  thuộc hội viên Hội đoàn thể như Hội LHPN, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội CCB xã thì  từng Hội đoàn thể phải có trách nhiệm hỗ trợ giúp đỡ theo như nguyện vọng. Trong năm 2018, các Hội đoàn thể đưa ra chỉ tiêu giúp 17 hộ nghèo thoát nghèo. Tuy nhiên, mọi hỗ trợ đều phải dựa trên nguyên tắc “ Trao cái người nghèo cần chứ không cho cái mình có”- Bà Hoa nói thêm.

GIANG BIÊN

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI