THÔNG TƯ 09/2017- BNV: NHỮNG BĂN KHOĂN TỪ CƠ SỞ

Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 4225 ngày 1 tháng 8 năm 2018, về việc rà soát, sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Thăng Bình đã tổ chức hội nghị quán triệt, đồng thời xây dựng đề án để thực hiện chủ trương lớn này.Tất cả những nội dung của Đề án, đã được UBND huyện và các ngành liên quan, thực hiện đúng theo Thông tư số 09 năm 2017 của Bộ Nội vụ. Và dù chưa được tiến hành trong thực tế, nhưng việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập lại các thôn, tổ dân phố trong thời gian đến, sẽ khiến cho nhiều địa phương gặp khó nếu như không có sự hướng dẫn kịp thời từ các ngành chức năng của tỉnh.

Bình Qúy là địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất của huyện với 2.973ha, dân số hơn 16.000 định cư tại 8 thôn trong xã. Theo Thông tư số 09 năm 2017 của Bộ Nội vụ, thì Bình Quý, có đến 4 thôn không đủ tiêu chuẩn cần phải sáp nhập, sắp xếp lại. Theo chính quyền địa phương, dù đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng hiện nay, xã cũng đang tập trung xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tại 2 thôn Qúy Phước I và Qúy Phước II, trong khi hai thôn này, lại nằm trong diện phải thực hiện sáp nhập. “Cơ sở của nhà văn hóa thôn, khu thể thao, các thiết chế văn hóa của từng thôn đã được Nhà nước đầu tư xây dựng theo lộ trình nông thôn mới trước đây đã cơ bản. Do đó người dân trong xã chúng tôi cũng không muốn thay đổi, họ muốn giữ nguyên để cho tiện việc đi lại, sinh hoạt thuận lợi hơn và gắn với việc của làng, của thôn, của xóm phù hợp hơn”- ông Nguyễn Đức Quang- Phó chủ tịch UBND xã Bình Qúy cho biết.

Bình Qúy có đến 4 thôn không đủ tiêu chuẩn cần phải sáp nhập, sắp xếp lại.

Còn tại xã Bình Dương, địa phương hiện có đến 5/7 thôn không đủ tiêu chuẩn theo thông 09/2017. Để ổn định đời sống nhân dân khi các dự án lớn đang được triển khai, trong vòng 3 năm trở lại đây, nhiều khu tái định cư trên địa bàn đã được xây dựng. Chính vì vậy, khi tiến hành sáp nhập, sắp xếp lại thôn theo thông tư của Bộ Nội vụ, Bình Dương sẽ phải xem xét lại địa giới hành chính của từng thôn để bố trí số lượng hộ dân cho phù hợp. Đây chính là điều mà lãnh đạo địa phương lo lắng nhất. Ông Phan Thanh Vân, Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết: “Khu tái định cư của xã là nơi hợp nhất của nhiều hộ dân ở các thôn, nếu sắp xếp lại chỉ còn 4 thôn theo tinh thần của Thông tư, chúng tôi phải cân nhắc lập lại địa giới hành chính để phù hợp. Mà việc làm này sẽ gây rất nhiều tốn kém”. Ông Vân cũng băn khoăn, trước đây chỉ 1 thôn, một người trưởng thôn đã làm không hết việc, giờ 2 thôn sáp nhập lại, sợ thôn trưởng cũng như Ban công tác mặt trận thôn kham không nỗi, rất dễ nảy sinh tâm lý chối việc. “Cái nữa là hiện vẫn chưa biết các cơ quan chức năng của tỉnh, hướng dẫn các chế độ chính sách như thế nào đối với những người được tiếp tục giữ chức vụ ở thôn mới, để chúng tôi tuyên truyền, vận động, giải thích cho họ được hiểu” – ông Vân nói.

Bình Dương cân nhắc lại địa giới hành chính khi sáp nhập từ 7 thôn thành 4 thôn

Theo nguyên tắc sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố, ngoài việc sáp nhập đối với những thôn, tổ dân phố không đạt tiêu chuẩn theo quy định, còn có tiêu chí là thực hiện sáp nhập các thôn, tổ dân phố liền kề, hoặc liền kề xung quanh trong cùng một đơn vị hành chính cấp xã, địa hình không chia cắt phức tạp, không làm thay đổi địa giới hành chính. Ngoài ra, tiến hành sáp nhập các thôn, tổ dân phố có nguồn gốc lịch sử và có nguồn gốc được chia tách ra trước đây. Ông Dương Ngọc Lân - Trưởng Phòng Nội vụ huyện cho rằng, đây cũng chính là những điểm mà Thăng Bình chắc chắn sẽ gặp vướng mắc khi triển khai. “ Nhiều thôn ở huyện không đảm bảo tiêu chí, nhưng lại không liên vùng. Ví dụ như một xã có 4 thôn cần phải sáp nhập, nhưng cả 4 thôn này, lại cách nhau qua một thôn khác đã đủ tiêu chuẩn, vậy nên không biết phải tiến hành như thế nào. Nếu tổ chức sáp nhập với thôn liền kề, thì lại không đúng quy định.”- ông Lân nói. Đối chiếu với tiêu chuẩn theo Thông tư 09 của Bộ Nội vụ, huyện Thăng Bình có 66/132 thôn, tổ dân phố không đủ tiêu chuẩn cần phải tiến hành sáp nhập, sắp xếp lại trong thời gian đến, trong đó có 10 thôn, tổ dân phố chưa đạt 50% số hộ gia đình so với tiêu chuẩn. Ông Lân cũng cho biết, trước đây, chúng ta chỉ có chia tách thôi chứ chưa thực hiện sáp nhập, và với số lượng các thôn, tổ dân phố cần phải sáp nhập lại khá lớn như hiện nay, trong khi mỗi một địa phương lại có điều kiện lịch sử tự nhiên, truyền thống văn hóa khác nhau, nên sẽ rất khó nếu không có sự hướng dẫn kịp thời, cụ thể từ các ngành chức năng của tỉnh. “Theo ý kiến chỉ đạo của Ban thường vụ Huyện ủy, thì dù có trở ngại,Thăng Bình vẫn quyết tâm thực hiện theo đúng lộ trình đã đề ra là đến năm 2021, 100% số thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn theo quy định. Chúng tôi sẽ tích cực tham mưu cho cấp trên, và cùng phối hợp với các địa phương tháo gỡ từng vướng mắc”. Ông Lân nói.

 Nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến tất cả các mặt của đời sống xã hội ở địa phương, sẽ có thể nảy sinh bất cứ lúc nào trong quá trình sáp nhập. Vì vậy ngay từ lúc này, Thăng Bình, cũng như các địa phương khác trong toàn tỉnh, mong muốn HĐND tỉnh sớm ban hành Nghị quyết, UBND tỉnh kịp thời ban hành các Quyết định để các địa phương chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với chủ trương sáp nhập, sắp xếp lại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn.

Thành Châu - Trung Thực

 

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI