Đổi thay Bình Dương

55 năm đã trôi qua, tinh thần của người dân Bình Dương, huyện Thăng Bình với khí thế hào hùng của một thời đạn bom, những đau thương mà quê hương oằn mình gánh chịu, để rồi đứng dậy sáng lòa, mãi là vĩnh cửu trong tâm tưởng của biết bao thế hệ nhân dân Bình Dương.

Đời sống vật chất của người dân Bình Dương được nâng lên đáng kể.

 

Từng là du kích của xã Bình Dương, trải qua những năm tháng ác liệt, bà Nguyễn Thị Tuyến, 75 tuổi vẫn không thôi ám ảnh mỗi khi nhớ lại cảnh những người dân vô tội bị thẳng tay giết hại, những cuộc càn quét vô nhân tính, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người dân. Cuối năm 1969, bà bị địch bắt, 5 năm bị đày hết nhà tù này đến nhà tù khác. Đến năm 1974 thì được trao trả tại sân bay Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Hơn 50 năm xa quê, bây giờ có dịp trở lại, bà Tuyến không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của quê hương. “Quê hương những năm chiến tranh rất cực khổ, địch càn, nơi đây trắng hết, không còn 1 bóng cây, giờ về lại thấy quê mình quá đổi thay, rất mừng, phấn khởi, cuộc sống của người dân ở đây đã đầy đủ hơn.”- bà Tuyến chia sẻ

Theo ông Phan Thanh Vân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, trên mảnh đất bé nhỏ này, ai đã từng sống mới nhận thấy hết sự chịu đựng vượt giới hạn của con người. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược nhân dân Bình Dương đã đóng góp cho kháng chiến 130 tấn lương thực, sản xuất 2.672 quả mìn tự tạo các loại, rào 4.523 mét rào chiến đấu, tổ chức đánh, tập kích, phục kích… 1672 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương hàng ngàn tên địch, bắn hàng chục xe tăng, xe bọc thép và máy bay của địch. Có 2.500 nam thanh, nữ tú tòng quân tham gia bộ đội và bổ sung cho huyện, tỉnh và Khu V. Kết thúc cuộc chiến tranh, Bình Dương có hơn 4.700 người đã ngã xuống; trong đó được công nhận 1.282 liệt sĩ, 319 bà mẹ Vệt Nam anh hùng, trên 300 thương, bệnh binh; 33 người nhiễm chất độc da cam, hàng trăm người tù đày, trẻ em mồ côi. “Nhiều gia đình, tộc, họ không còn một người, bởi các vụ thảm sát man rợ đến nay vẫn còn gây nhức nhối trong lương tri nhân loại. Đảng bộ cử 16 đồng chí làm bí thư đảng bộ xã, thì có 12 đồng chí hy sinh. Số đồng chí còn sống cũng đều là thương binh, bệnh binh. Cũng trong thời gian này, 16 đồng chí được cử giữ chức xã đội trưởng, thì đã có 13 đồng chí hy sinh anh dũng… Những tổn thất to lớn đó của dân, của Đảng, của lực lượng vũ trang Bình Dương là không có gì so sánh được cho tới bây giờ và mãi mãi về sau…”-ông Phan Thanh Vân cho biết.

Trước năm 1985 đời sống nhân dân Bình Dương còn gặp nhiều khó khăn, hầu hết nhà cửa tranh tre vách lá, cơ sở hạ tầng yếu kém. Đến nay, 100% hộ dân có nhà ở ổn định, nhiều nhà kiên cố, 100% hộ có điện thắp sáng; năm 1995 tỷ lệ hộ nghèo 34,6% đến nay giảm còn 5,25%, nhiều dự án đã và đang được triển khai góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Được sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa, anh Nguyễn Thành Đạt- Bí thư Đoàn xã Bình Dương chia sẻ, tuy không được tận mắt chứng kiến, nhưng qua những trang sử được học, qua những thước phim tài liệu, những ca khúc cách mạng, những tác phẩm văn học, âm vang hào hùng về một thời chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi vinh quang, luôn vang vọng trong anh. “Tự đáy lòng mình, tôi và những bạn đoàn viên thanh thiếu niên Bình Dương luôn mang trong mình một niềm tự hào lớn lao, một sức sống mãnh liệt về lịch sử hào hùng của quê hương Bình Dương. Trách nhiệm của thế hệ trẻ Bình Dương chúng tôi hôm nay là phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh, xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Bác Hồ và của cả Đảng bộ, nhân dân Bình Dương”- anh Nguyễn Thành Đạt cho hay.

Thu Sương- Minh Tân

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI