Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với huyện Thăng Bình về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Tiếp tục chương trình giám sát về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) mới, chiều ngày 8/2, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với huyện Thăng Bình. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng và Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước chủ trì buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với đoàn, có đồng chí Phan Công Vỹ, Tỉnh ủy viên-Bí thư Huyện ủy, Chủ tich HĐND huyện; đ/c Hồ Văn Minh, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch HĐND huyện; đ/c Nguyễn Văn Húy, Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và hiệu trưởng một số đơn vị trường học trên địa bàn huyện.

 

Quang cảnh buổi làm việc.

Trên địa bàn huyện Thăng Bình có 26 trường tiểu học; 02 trường TH&THCS; cấp THCS 19 trường. Toàn huyện đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; Phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3, đạt chuẩn Phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2 từ năm 2018.

Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông huyện Thăng Bình đã ban hành các quyết định về kiện toàn ban chỉ đạo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

Việc lựa chọn SGK mới được thực hiện công khai, minh bạch kết quả lựa chọn sách giáo khoa đã được các trường công bố rộng rãi đến phụ huynh, học sinh. Các trường đã tiến hành rà soát trang thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định và có kế hoạch mua sắm bổ sung, đảm bảo có đủ trang thiết bị dạy học phục vụ cho năm học mới; đảm bảo số lượng giáo viên.

 

Đồng chí Phan Công Vỹ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện phát biểu tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đã bộc lộ một số tồn tại hạn chế như một số phụ huynh chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình; so sánh chương trình cũ và mới, đưa ra những nhận định, đánh giá chưa thật phù hợp, chưa đầy đủ, gây áp lực cho con và cho giáo viên, nhà trường…

Việc tổ chức học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học chưa được triển khai đồng bộ do địa phương đang thiếu giáo viên. Hiện nay, vẫn còn một số đơn vị thiếu phòng học, bàn ghế đã xuống cấp cần được đầu tư. Một số trường còn thiếu các phòng bộ môn như: phòng Ngoại ngữ, phòng Tin học, phòng Mĩ thuật, phòng Âm nhạc, phòng Khoa học... nhất là các điểm trường lẻ. Một số trường học thiếu quỹ đất để xây dựng sân chơi, bãi tập cho học sinh. Giáo viên THCS còn thiếu so với yêu cầu, chưa cân đối giữa các bộ môn, một số giáo viên chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ để thực hiện giảng dạy các môn tích hợp.

Từ những khó khăn, bất cập qua thực tế triển khai tại địa phương, huyện Thăng Bình kiến nghị Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên; có chính sách hỗ trợ SGK cho các trường; tăng chỉ tiêu biên chế giáo viên…

 

Đồng chí Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Thay mặt đoàn giám sát, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK, nâng cao chất lượng giáo dục đồng thời tiếp thu các kiến nghị, đề xuất và cho biết sẽ tổng hợp báo cáo lên Quốc hội.

ĐÌNH HIỆP

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI