Bùng nổ sốt xuất huyết ở Thăng Bình

Chỉ từ đầu năm đến nay, huyện Thăng Bình đã có gần 350 ca bệnh sốt xuất huyết, chiếm tỉ lệ cao nhất tỉnh Quảng Nam. Hiện công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết đang được các ngành chức năng tập trung thực hiện.

Nhiều ổ dịch

Sau khi ra thăm đồng về, tối ngày 11.7 vừa qua, ông Trần Ngọc Tề (60 tuổi, thôn Bình Hiệp, xã Bình Phục) thấy trong người mệt mỏi và sốt cao. Sáng hôm sau, ông đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình và được xác định đã bị sốt xuất huyết phải nhập viện. Đáng nói, người con dâu sống chung nhà với ông Tề cũng có biểu hiện tương tự, đi khám và cũng được xác định bị sốt xuất huyết.

“Cả xóm tôi đang có 7 hộ gia đình bị sốt xuất huyết. Ngay trong nhà tôi, con trai mới điều trị sốt xuất huyết ở Trung tâm Y tế huyện về thì đến tôi và con dâu bị tiếp. Tôi từng bị sốt xuất huyết nhưng thấy lần này có vẻ nặng, mệt mỏi kéo dài và lâu thuyên giảm hơn” - ông Tề nói.

Bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm Y tế huyện.

Ghi nhận thêm ở thị trấn Hà Lam, nơi đang có 2 ổ dịch đang được các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm và đây cũng là nơi có nhiều ca bệnh nhất trên địa bàn huyện Thăng Bình. Theo số liệu thống kê của Trạm Y tế thị trấn Hà Lam, từ đầu năm đến nay, địa phương có 107 ca sốt xuất huyết, tập trung chính ở 2 ổ dịch thuộc tổ dân phố số 8 (khu phố 5) và tổ dân phố số 11 (khu phố 8).

Theo bà Lê Thị Thủy Linh - Trạm phó Trạm Y tế thị trấn Hà Lam, thời gian qua, địa phương đã thành lập tổ công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, thành viên gồm cán bộ trạm y tế và cán bộ liên quan của UBND thị trấn Hà Lam. Từ đầu năm đến nay, tổ công tác đã tổ chức gần 30 đợt làm môi trường, phun thuốc phòng ngừa và tiêu diệt mầm bệnh và kết hợp tuyên truyền cho nhân dân.

“Tuy nhiên, do ý thức và sự chủ quan của người dân về việc dọn dẹp môi trường còn hạn chế nên mầm bệnh có điều kiện sinh sôi, phát triển. Chính vì vậy mà để phòng bệnh sốt xuất huyết thì nên chú ý đến các ao hồ, trũng nước, chum, lọ xung quanh nhà để tiêu diệt bọ gậy, ngăn muỗi phát triển” - bà Linh nói.

Diễn biến thất thường

Ghi nhận thêm tại Khoa Truyền nhiễm của Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình vào sáng ngày 15.7, có đến 7 bệnh nhân bị sốt xuất huyết đang điều trị tại đây. Bác sĩ CKI Đoàn Văn Sen - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình cho biết, theo số liệu từ Hệ thống phần mềm quản lý bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, từ đầu năm đến cuối ngày 11.7, huyện Thăng Bình có 347 ca bệnh sốt xuất huyết. Thăng Bình là địa phương có số ca bệnh sốt xuất huyết cao nhất tỉnh, tính đến thời điểm này.

Trên địa bàn huyện Thăng Bình đã có 19 xã, thị trấn có ca bệnh sốt xuất huyết, địa phương nhiều nhất là thị trấn Hà Lam và xã Bình Trị 59 ca. Ngoài 3 ổ dịch ở Hà Lam và Bình Trị thì đang có 1 ổ dịch mới phát sinh tại thôn Xuân Thái, xã Bình Định Bắc. Dự báo sẽ có nguy cơ phát triển thêm nhiều ổ dịch nữa tại các địa phương khác.

Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình đã tham mưu cho UBND huyện có công văn chỉ đạo cho các ban ngành, địa phương tổ chức công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. Đồng thời, đơn vị này cũng chỉ đạo cho Trạm Y tế các xã, thị trấn phối hợp với chính quyền địa phương trên địa bàn huyện thực hiện công tác diệt bọ gậy hằng tuần và Khoa Y tế dự phòng tổ chức giám sát. Đặc biệt, các xã có ổ dịch và các xã lân cận đã được phun hóa chất diệt muỗi.

Bác sĩ Sen cho biết, theo chu trình các năm, ở địa phương nào xuất hiện ổ dịch thì 2 - 3 năm tiếp theo tỷ lệ tái phát sinh là rất thấp. Tuy nhiên, đến nay, chu trình này đã không còn đúng nữa. Ví dụ, Thăng Bình năm ngoái bị, năm nay lại tái diễn. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Quảng Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các ca bệnh sốt xuất huyết tăng cao và kéo dài là do thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm cho muỗi bị đột biến. Không những phá vỡ chu kỳ tái phát ổ dịch 2 - 3 năm mà, vòng đời của muỗi cùng rút ngắn lại từ 7 - 10 ngày thì nay còn 5 - 7 ngày, nên muỗi phát triển nhanh hơn, tỷ lệ gây bệnh cao hơn.

“Với phương châm không còn bọ gậy, không có muỗi, không có sốt xuất huyết. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh thì cách tốt nhất là làm môi trường thật kỹ. Đồng thời, ý thức người dân cũng nên tự giác hơn, thay đổi thói quen hằng ngày, tự phòng bệnh cho bản thân và những người trong gia đình” - bác sĩ Sen nói.

VĂN TOÀN

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI