PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19

Sáng ngày 17.12, xã Bình Sa tổ chức lễ đón bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với địa điểm thành lập Chi bộ Tây Giang – Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thăng Bình. Đồng chí Võ Thị Đoan Trang – Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trương Công Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện tham dự lễ đón bằng.

 

Lãnh đạo xã Bình Sa đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với địa điểm thành lập Chi bộ Tây Giang – Chi bộ Đảng Cộng sản

đầu tiên của huyện Thăng Bình

Ngày 3.2.1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đánh dấu bước ngoặc lịch sử của cách mạng Việt Nam. Tại Quảng Nam, kể từ khi Đảng bộ tỉnh Quảng Nam ra đời, Tỉnh ủy phân công các đồng chí ủy viên phụ trách các phủ huyện, phát triển cơ sở đảng, nhanh chóng mở rộng các hoạt động biến tướng và kêu gọi một số thân hào, nhân sỹ yêu nước tham gia tuyên truyền, vận động để thúc đẩy phong trào. Thời điểm đó một số quần chúng được giác ngộ cách mạng trong đó có những người có chuyên môn về khám, chữa bệnh cùng chung vốn mở tiệm bán thuốc Đông y vàtổ chức Hội đọc sách, lấy tên gọi là “Nghĩa Hòa Đường” và địa điểm đặt tại nhà ông Trịnh Phương, tại chợ Tây Giang, xã Bình Sa. Thực chất bên ngoài hiệu thuốc Đông y “Nghĩa Hòa Đường” là khám, chữa bệnh cho nhân dân nhưng bên trong là cơ sở hoạt động cách mạng, là tổ chức biến tướng đầu tiên của Bình Sa tổ chức để che mắt bọn địch tiện bề hoạt động và thu hút, giác ngộ được nhiều thanh niên tiến bộ hướng đến cách mạng.

Nhận thấy “Nghĩa Hòa Đường” ra đời và hoạt động mạnh mẽ, đảm bảo đủ điều kiện để thành lập tổ chức Đảng nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng lúc bấy giờ, đồng chí Trần Học Giới (là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Nam trong những năm 1933 đến 1937) đã tổ chức kết nạp 03 đồng chí Nguyễn Niệm, Nguyễn Ngẫu và Hoàng Tánh và quyết định thành lập chi bộ Đảng Tây Giang vào ngày 19/6/1936 . Đây là chi bộ đảng Cộng sản đầu tiên ở phủ Thăng Bình, Chi bộ này được thành lập tại nhà ông Trịnh Phương, đồng chí Nguyễn Niệm được cử làm Bí thư Chi bộ. Đây là sự kiện quan trọng, đánh giá bước chuyển biến căn bản về phong trào đấu tranh của nhân dân xã Bình Sa nói riêng và nhân dân huyện Thăng Bình nói chung có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản. Từ đây, hoạt động của Chi bộ Tây Giang đã có ảnh hưởng đến các vùng Đông Nam phủ Thăng Bình và một số địa phương giáp Tam Kỳ.

Với giá trị lịch sử như trên, ngày 9.8.2021 UBND tỉnh Quảng Nam đã ra Quyết định số 2256/QĐ-UBND xếp hạng di tích Địa điểm thành lập Chi bộ Tây Giang – Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thăng Bình, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam là di tích lịch sử cấp tỉnh.

TRUNG THỰC

Sáng ngày 9.1, UBND xã Bình Sa (huyện Thăng Bình) tổ chức Lễ công bố quyết định và đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh mộ Tiền hiền làng Tiên Châu.

 

Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh trao Quyết định và Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh mộ

Tiền hiền làng Tiên Châu cho xã Bình Sa

Theo tài liệu từ gia phả của tộc Châu ( xã Bình Sa), vào khoảng đầu thế kỷ 16, tổ tiên Chu Công Đình, vị thủy tổ của tộc Châu, quê ở  xã Cổ Đạm (nay là xã Cương Giáng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) được phái chỉ của triều đình đời vua Lê Thánh Tông vào Nam mở rộng bờ cõi vùng đất phương Nam, Ngài thủy tổ Châu Tộc Chu Công Đình đã đến vùng đất mới khai khẩn đất đai, quy dân lập ấp, xây dựng cơ sở và đặt tên làng là làng Tiên Châu thuộc trấn Quảng Nam, phủ Thăng Hoa (Thăng Bình ngày nay). Ngài Chu Công Đình mất được nhân dân trong làng an táng tại tổ 3 thôn Châu Khê. Lăng mộ của Ngài Châu Tiền hiền được xây dựng ở khu đất này bằng phẳng, rộng và cao. Từ khi Ngài được an táng, theo lệ làng đã qua hơn 300 năm vùng đất này chỉ được an táng và xây lăng mộ cho Ngài Tiền hiền, những người trong làng từ trần sau đó cho đến nay chỉ được an táng phần đất rất xa với lăng mộ của Ngài.

Khu lăng Mộ của Ngài Tiền hiền Chu Công Đình được xây dựng theo lối kiến trúc văn hóa cổ, với những câu đối bằng chữ Hán. Trước ngôi mô có bức tường thành được xây dựng bề thế, uy nghiêm và cổ kính với cách bố trí các hệ thống trụ cột liên hoàn kiên cố, được trang trí bởi các đường nét hoa văn đẹp mắt. Bức tường phía trước được bố trí 6 cây trụ, trong đó 4 cây trụ được gắn 4 bông hoa sen trên đỉnh cột tượng trưng cho sự linh thiêng, cao quý. Hai bên tả hữu của bức bình phong cũng được bố trí các linh vật ngồi trấn giữ, nằm sau bức bình phong là gian hậu tẩm. Khi đi vào hậu tẩm, hai bên tả hữu có cặp câu đối chữ Hán.               

 

Lãnh đạo huyện Thăng Bình dâng hương khu mộ

 

Một góc mộ Tiền hiền làng Tiên Châu

Với những giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi mộ, ngày 16.7.2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1903/QĐ – UBND công nhận Mộ Tiền hiền làng Tiên Châu là di tích lịch sử cấp tỉnh.

VĂN TOÀN

Sáng ngày 26.9, xã Bình Phục tổ chức lễ công bố quyết định và đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh địa đạo Ngọc Sơn.Bà Nguyễn Thị Thu Hiền– Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam; ông Đoàn Văn Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy; ông Nguyễn Văn Húy – Phó Chủ tịch UBND huyện đến dự.

 

 

Nguyễn Thị Thu Hiền Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam 

và ông Nguyễn Văn Húy – Phó Chủ tịch UBND huyện trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh địa đạo Ngọc Sơn 

cho lãnh đạo xã Bình Phục.

Cuối tháng 10.1947, quân Pháp tập kích vào vùng Đông huyện Thăng Bình, càn quét các thôn Ngọc Sơn, Mỹ Hiệp (thuộc xã Bình Phục hiện nay). Địch vơ vét, cướp bóc, phá hoại tài sản của nhân dân, trước tình hình trên lực lượng du kích ở địa phương phối hợp với bộ đội huyện đánh trả quyết liệt, đã tiêu diệt hàng chục tên địch và thu nhiều chiến lợi phẩm.

       Để đảm bảo cho cuộc kháng chiến lâu dài, cùng thời gian này (10.1947) địa đạo Ngọc Sơn được xây dựng. Công trình do du kích và nhân dân trong vùng đào gần 1 năm, với chiều dài hơn 1.000 mét, rộng hơn 1 mét, cao hơn 1,2 mét, nằm sâu trong lòng núi. Theo lời kể của các nhân chứng thì địa đạo được đào vào ban đêm và để đảm bảo bí mật nên đất đào lên được đưa xuống ghe chở đổ ở nơi khác. Miệng hầm chính được ngụy trang bằng cái giếng nước, vì vậy muống vào địa đạo phải nhảy xuống giếng rồi mới đi vào được, các cửa miệng phụ, ngách gió thông hơi dựa vào vị trí các bụi tre và nhà dân. Địa đạo có 3 nhánh, một nhánh từ miệng chính xuống đến nhà ông Mai Văn Số, một nhánh đến sau nhà ông Mai Lam và một nhánh đến nhà ông Đặng Quát (nhà ông Đặng Quát là cơ sở hoạt động của cách mạng nên khi có việc gì thì các chiến sĩ của ta xuống hầm trú ẩn rất thuận lợi). Trong hầm có phòng họp, giếng nước, vừa là nơi trú ẩn vừa là cơ quan quan trọng của cán bộ làm việc.

 

     

Đông đảo nhân dân xã Bình Phục đến dự lễ công bố quyết định và đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh 

địa đạo Ngọc Sơn.

          Tháng 4.1952, quân đội Pháp nghi vấn khu vực núi Ngọc Sơn có địa đạo, có cơ sở cách mạng hoạt động nên chúng nã canh nông và thả bom đánh phá dữ dội, lúc này bộ đội của tỉnh đang huấn luyện tại rừng xoài đã kịp vào địa đạo trú ẩn, một số quả bom, canh nông rơi gần khu vực địa đạo nhưng không ảnh hưởng đến địa đạo.

Ngày 17.9.1967 lính Mỹ tổ chức một trận càn lớn tại thôn Ngọc Sơn, gồm 6 xe tăng, hai máy bay trực thăng, chúng cho trực thăng đổ bộ lính ngoài động cát sau đó tiến vào làng lùng sục. Trước tình thế không cân sức, các đồng chí du kích (khoảng hơn 10 người) đã vào địa đạo để trú ẩn, tuy nhiên thời tiết lúc này vừa tạnh mưa nên khi xuống địa đạo đã để lại rất nhiều dấu chân và bị lính Mỹ phát hiện, chúng bắn súng, thả lựu đạn làm một số du kích bị thương.

Ông Trương Văn Châu – du kích địa phương (trực tiếp tham gia chiến đấu) ở xã Bình Phục cho biết: lúc đó ông bị thương khi chiến đấu cách hầm vài trăm mét nên được đồng đội dìu xuống hầm. Địch phát hiện nên chúng bắt đầu cho bom mìn đánh liên tục vào miệng hầm. Sau đó chúng cho máy bay thả thép gai bịt miệng hầm và cho lính canh gác. “Đêm hôm đó đồng chí Lê Tấn Hùng - Xã đội trưởng và đồng chí Trương Tổng – Y tá đã đào đất trốn thoát được, còn lại nhóm của ông bị bắt. Lúc đó địch dùng máy bay thả thuốc nổ TNT đánh sập miệng hầm và một đoạn khá dài của địa đạo. Hiện nay, dưới địa đạo vẫn còn một cái rađio và một cái bình đông nước của ông bỏ lại sau khi bị thương” - Trương Văn Châu nhớ lại.

Sau khi bọn địch phát hiện ở Ngọc Sơn có địa đạo, có căn cứ cách mạng nên chúng thường xuyên thả bom xăng và cho người chặt phá trơ trụi cây cối để dễ bề quan sát, đồng thời tăng cường hai trung đội nghĩa quân về đóng quân tại núi Ngọc Sơn. Đến năm 1970 địch kiểm soát hoàn toàn xã Bình Phục, chúng càn quét, kiểm soát gắt gao làm cho hoạt động của cán bộ, du kích gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cán bộ, du kích hy sinh. Năm 1971, huyện chỉ đạo thành lập chi bộ ghép Bình Giang, Bình Phục để lãnh đạo phong trào cho sát thực tế. Nhờ có cơ sở bên trong hoạt động mạnh đưa một số hộ dân trong khu dồn về vùng giải phóng, từ đó thường xuyên móc nối cơ sở cho đến ngày 24.3.1975 xã Bình Phục được hoàn toàn giải phóng.

 

    

Quang cảnh buổi lễ.

Ông Lê Thông – Chủ tịch UBND xã Bình Phục cho biết, địa đạo Ngọc Sơn góp phần quan trọng vào việc hoạt động cách mạng để giải phóng xãBình Phục. Đâycũnglà nơi thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết của người dân Bình Phụctrong kháng chiến.Với những giá trị lịch sử to lớn, ngày 04.12.2019 UBND tỉnh Quang Nam ra Quyết định số 3928/QĐ-UBND, công nhận di tích địa đạo Ngọc Sơn là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là bước ngoặt quan trọng làm cơ sở pháp lý, khoa học để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Phục bảo tồn và phát huy giá trị di tích, phục vụ công tác giáo dục truyền thống cách mạng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

MINH TÂN

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân tại buổi làm việc mới đây với huyện Thăng Bình và các sở,ngành có liên quan về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương.

Khó khăn

Di tích Phật viện Đồng Dương (thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2499 ngày 22.12.2016; cuối năm 2019 UBND huyện Thăng Bình đã tổ chức lễ công bố quyết định và đón bằng công nhận. Thời gian qua, huyện Thăng Bình đã thành lập Tổ quản lý di tích Phật viện Đồng Dương, xây dựng tường rào, thường xuyên phát hoang cây dại và lập kế hoạch thu hồi, lưu giữ các hiện vật. Tuy nhiên hiện nay di tích lịch sử đặc biệt này đang xuống cấp nghiêm trọng, nhất là tháp Sáng đang bị bào mòn, một số ván lót, khung sắt để chống đỡ tháp đã bị hư hỏng. Ông Lê Văn Để - Bí thư Đảng ủy xã Bình Định Bắc cho biết, ngay từ khi Phật viện Đồng Dương được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, địa phương đã vận động người dân không sản xuất xâm lấn cũng như đào bới gạch và các hiện vật trong khu di tích. Tuy nhiên, do tác động của thời gian, hiện tháp Sáng đã xuống cấp rất nghiêm trọng, nguy cơ đổ ngã rất cao.

Ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, để công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích được thực hiện hiệu quả, UBND huyện phải khoanh vùng quản lý, tuyệt đối không cho phép người dân trồng cây trong khu vực vùng lõi khu di tích. Đối với các hiện vật của Phật viện Đồng Dương, ông Nguyễn Thanh Hồng đề xuất địa phương phải tiếp tục quản lý; những hiện vật đang được lưu giữ tại nhà thờ Tộc Trà (thôn Đồng Dương) nên tiếp tục được quản lý tại đây; đồng thời vận động người dân không đào bới, lấy hiện vật trong khu di tích.

Sớm có giải pháp

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nêu ý kiến, trong thời gian tới, UBND tỉnh cần kiến nghị Bộ VH-TT&DL tham mưu trình Chính phủ thống nhất chủ trương và từng bước thực hiện lập dự án quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết nhằm bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa Phật viện Đồng Dương. Xây dựng phương án khẩn cấp lắp đặt lại hệ thống chống đỡ cổng tháp Sáng, xây dựng nhà lưu trữ và trưng bày hiện vật tại khu di tích Phật viện Đồng Dương. “Những vấn đề này cần phải được triển khai để Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương được bảo vệ tốt hơn, về lâu dài sẽ phục vụ công tác phát lộ, khai quật nhằm tìm hiểu và phát huy giá trị di tích” - ông Hùng nói.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu các ngành và huyện Thăng Bình sớm có giải pháp bảo vệ tháp Sáng của Phật viện Đồng Dương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu UBND huyện Thăng Bình phải xác định rõ ranh giới, từ đó quản lý, khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt vùng lõi 5,3ha của Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương, không để các yếu tố bên ngoài, kể cả con người có tác động xâm hại đến di tích. Ngoài ra, UBND huyện Thăng Bình tổ chức vận động, tuyên truyền để 2 hộ dân đang có nhà trong vùng lõi của di tích di dời ra nơi ở mới; đồng thời khẩn trương đo đạc xác lập hồ sơ địa chính, hồ sơ pháp lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ 5,3ha vùng lõi di tích này để có cơ sở quản lý, bảo vệ tốt hơn. “Sở VH-TT&DL phải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thăng Bình và các sở ngành liên quan tiến hành lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết đối với khu Di tích Phật viện Đồng Dương. Khẩn trương khảo sát để làm lại giá chống đỡ tháp Sáng, bởi đây là biểu tượng còn lại của Phật viện nhưng hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Việc này phải thực hiện trong năm 2020, chậm nhất là năm 2021” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh.

GIANG BIÊN – TRUNG THỰC

Sáng 7.12, Ủy ban nhân dân huyện Thăng Bình long trọng tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Tham dự Lễ đón nhận, có ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Về phía tỉnh Quảng Nam, tham dự lễ có đồng chí Lê Văn Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Văn Tân – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các nhà nghiên cứu về văn hóa Chăm; đại diện các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và đông đảo người dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương cho huyện Thăng Bình.

Di tích Phật viện Đồng Dương (thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt vào ngày 22.12.2016. Đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc của Phật viện là tượng Bồ tát Tara, làm bằng đồng thau được được người dân làng Đồng Dương tìm thấy vào năm 1978, hiện bảo vật này đang được lưu giữa tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Theo đánh giá của giới khảo cổ học, đây là khu kinh đô còn đầy đủ các di tích kiến trúc chức năng trong số các dấu tích kinh đô của Vương quốc cổ Chămpa. Phần bí mật còn lại của vương quốc hơn 1.000 năm tuổi vẫn còn nằm đâu đó trong những vùng đồi trung du dọc theo sông Ly Ly ra cửa Đại - Hội An và dọc theo suối Ngọc Khô vào tận bãi Bàn Than - Núi Thành đang còn chờ được khám phá, gìn giữ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, thông qua những cổ vật còn lại của Phật viện Đồng Dương đã phản ánh nghệ thuật độc đáo của điêu khắc Chăm. Dưới góc độ tôn giáo, Phật viện Đồng Dương là một trong những trung tâm Phật giáo đặc sắc bậc nhất không chỉ của Vương Quốc Chăm Pa  mà cả khu vực Đông Nam Á đương thời. Mặc dù Phật viện đã không còn nguyên vẹn do yếu tố thiên nhiên, chiến tranh tàn phá nhưng “phong cách Đồng Dương” đã để lại những nét đẹp xuyên thời gian về giá trị lịch sử, tôn giáo. Việc công nhận Phật viện Đồng Dương là Di tích cấp quốc gia đặc biệt sẽ mở ra cơ hội cho việc khảo cổ, phát huy, lan tỏa giá trị của di tích, tạo điểm nhấn trong việc liên kết các di tích văn hóa, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian đến.

Dịp này, UBND tỉnh Quảng Nam đã trao quyết định chủ trương đầu tư Khu du lịch lưu trú, trải nghiệm tại thôn Đồng Dương cho Công ty Cổ phần đầu tư Bất động sản Quang Anh. Thể theo nguyện vọng của người dân thôn Đồng Dương, Công ty này đã hỗ trợ 500 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn Đồng Dương.

VĂN TOÀN – VĂN HÀ

Di tích Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình) được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt cách đây tròn 3 năm. Vào ngày 7.12.2019, Ủy ban nhân dân huyện Thăng Bình tổ chức Lễ đón Bằng di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Hiện nay, mọi công tác chuẩn bị đã được các ngành chuyên môn huyện Thăng Bình và địa phương tích cực triển khai cho sự kiện quan trọng này. Trong đó, sự hưởng ứng tích cực của người dân lúc này chính là cơ sở cho công tác bảo tồn phát huy giá trị di tích sau này.

Nhân dân thôn Đồng Dương tổ chức phát quang bụi rậm quanh khu vực “Tháp sáng”.

Sau khi nghe thông tin UBND huyện Thăng Bình sẽ tổ chức Lễ đón Bằng di tích Quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương, người dân thôn Đồng Dương ai nấy đều tỏ ra rất phấn khởi. Bởi, di tích mang đậm dấu ấn Chăm Pa gắn liền với quá trình phát triển của địa phương được công nhận đã lâu, trải qua nhiều công đoạn, thủ tục, đến nay di tích mới được công nhận một cách đúng nghĩa.

Cách đây chừng nửa tháng, tranh thủ ngày Chủ nhật, người dân thôn Đồng Dương đã tập trung tại khuôn viên khu vực “Tháp Sáng” để phát quang bụi rậm, tạo mặt bằng thông thoáng để đại biểu và du khách đến tham quan di tích duy nhất còn sót lại của Phật viện.

Không ai bảo ai, mỗi người mỗi phần việc từ công đoạn đốn đổ cây tạp, phát quang bụi rậm đến việc thu gom, tất cả đều với khí thế sôi nổi trong tâm thế tự hào của những người con quê hương. Ông Trương Thanh Dũng ở thôn Đồng Dương chia sẻ: “Khu đền tháp đã gắn bó với nhiều thế hệ con cháu tại thôn Đồng Dương. Thời chiến tranh, khu vực này còn có những hiện vật như tượng phật, các linh vật biểu trưng, nhưng do sự tàn phá của thiên nhiên, bom đạn và một số đối tượng xấu nên các hiện vật này không còn. Tuy nhiên với người dân địa phương, nơi đây vẫn là địa điểm tâm linh”.

Sau cú nhấc máy đặt phần “nửa buổi” cho bà con nhân dân tiếp sức, ông Nguyễn Đình Thi niềm nở  trả lời chúng tôi với sự tin tưởng vào tương lai tươi sáng ở thôn Đồng Dương. Ông Thi cho hay, sau khi triển khai phát động dọn vệ sinh môi trường, bà con đã hưởng ứng nhiệt tình, mong muốn của nhân dân là sau khi đón Bằng công nhận, Nhà nước sẽ đầu tư nơi đây trở thành khu du lịch để tạo kế sinh nhai cho người dân trong thôn.

“Hậu duệ của người Chăm xưa là Tộc Trà, hiện chiếm phần lớn dân số của thôn Đồng Dương. Tộc Trà hiện còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị về văn hóa Chăm; đặc biệt là những món ăn truyền thống của người Chăm. Chúng tôi hy vọng khi Nhà nước có hướng đầu tư du lịch, sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân Tộc Trà nói riêng và người dân địa phương nói chung” – ông Thi hồ hởi  cho biết.

Để công tác tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia Phật viện Đồng Dương đảm bảo, UBND huyện Thăng Bình đã triển khai nhiều phần việc cụ thể, trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về giá trị văn hóa của di tích. Còn với xã Bình Định Bắc, đây thực sự là cơ hội để quảng bá hình ảnh địa phương gắn với việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Theo ông Lê Văn Lợi – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, thôn Đồng Dương đã được công nhận “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” vào đầu năm 2019, đời sống người dân cơ bản ổn định với mức thu nhập trên 40 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của địa phương.

“Sau khi đón Bằng di tích cấp Quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương, địa phương mong muốn Nhà nước cần có sự quan tâm đầu tư về khảo cổ, du lịch để lan tỏa giá trị di tích.  Riêng đối với địa phương, trên cơ sở đề án phát triển kinh tế vùng Tây Thăng Bình, địa phương xác định phát triển thôn Đồng Dương trở thành điểm nhấn cho việc đầu tư hiện nay và những năm tiếp theo” – Ông Lê Văn Lợi nói.

Một tín hiệu vui với người dân thôn Đồng Dương, đó là tại Lễ đón Bằng công nhận, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Bất động sản Quang Anh (Hà Nội). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 240 tỷ đồng trên diện tích 32,6ha. Dự án tổng thể là khu bảo tồn, triển lãm, khu chiến trường. Điều này hứa hẹn mở ra điểm nhấn cho việc bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử; tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

VĂN TOÀN 

 

Vừa qua, Chi hội Cựu chiến binh thôn Đồng Dương xã Bình Định Bắc huyện Thăng Bình tổ chức ra quân phát quang bụi rậm, cây cối trong khuôn viên Phật viện Đồng Dương.

Đây là hoạt động thường xuyên của Chi hội CCB thôn Đồng Dương, góp phần phát huy  giá trị di tích.

Hơn 30 hội viên cựu chiến binh, mỗi người mỗi phần việc đã phát quang thông thoáng khuôn viên tạo mặt bằng để đón du khách và nhân dân đến tham quan di tích. Đây là hoạt động thường xuyên của Chi hội CCB thôn Đồng Dương, góp phần phát huy  giá trị di tích. Ngày 7/12 tới đây, UBND huyện Thăng Bình sẽ tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích Quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương tại khu di tích chiến thắng Đồng Dương. Dịp này, cũng sẽ diễn ra các hoạt động kỷ niệm 54 năm Chiến thắng Đồng Dương (8-9/12/1965 – 8-9/12/2019), triển lãm ảnh tháp Đồng Dương, UBND tỉnh trao giấy phép đầu tư cho đơn vị thực hiện dự án Khu lưu trú trải nghiệm Đồng Dương.

VĂN TOÀN – THU SƯƠNG

Sáng ngày 14.4, UBND Thị trấn Hà Lam long trọng tổ chức lễ giỗ tổ Hùng Vương và đón Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh “Văn Thánh Thăng Bình”.

Lãnh đạo thị trấn Hà Lam đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh “Văn Thánh Thăng Bình”.

Lễ giỗ tổ Hùng Vương năm nay, cán bộ và nhân dân thị trấn Hà Lam đã kính cẩn dâng lên vua Hùng các lễ vật mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt như hương, hoa, bánh dày, dưa hấu… tất cả với một lòng thành kính tưởng nhớ công ơn to lớn của các vua Hùng đối với dân tộc Việt Nam ngày nay. Tại lễ giỗ tổ vua Hùng, lãnh đạo thị trấn Hà Lam đã kính cáo về những thành tựu của địa phương trong thời gian qua, trong đó việc xây dựng tuyến phố văn minh đã được nhân dân trên địa bàn hưởng ứng tích cực; thời gian tới cán bộ và nhân dân thị trấn Hà Lam nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng địa phương đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2020. Dịp này, cán bộ và nhân dân thị trấn Hà Lam đã long trọng đón bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh “Văn thánh Thăng Bình”. Văn thánh Thăng Bình tọa lạc trên khuôn viên vuông vức tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình (thuộc huyện Lễ Dương xưa). Điểm nhấn  trong khu di tích văn thánh đó là có 9 tấm bia đá ghi danh các bậc công thần, các vị khoa bảng và các bà tiết nghĩa phụ.  Di tích này không chỉ có chức năng thờ cúng các bậc tiên thánh nho giáo mà còn nêu cao truyền thống văn hóa giáo dục, biểu dương tinh thần hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo. Danh sách và thông tin về người đỗ khoa trường của huyện Lễ Dương ghi trên hệ thống một số văn bia hiện còn lưu giữ, đó là các vị đỗ đại khoa, trung khoa và tiểu khoa qua các kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình dưới triều Nguyễn./.

VĂN TOÀN

 

Sáng 15.2, Ủy ban nhân dân xã Bình Triều, huyện Thăng Bình tổ chức khánh thành công trình trùng tu, tôn tạo lăng Bà Chợ Được.

Thuở xưa có một vị nữ họ Nguyễn, tên Của, vốn là con gái nhà khuê các sinh ngày 25/2 năm Canh Thân, triều Lê Cảnh Hưng năm thứ 39 tại xứ Ái châu, làng Phường Chào, tổng Hòa Mỹ huyện Diên Phước, nay thuộc thôn 10 xã Đại Cường, huyện Đại Lộc. Ngày19/11 năm Gia Long thứ 16 (năm 1817), Bà quy tiên được nhân dân sở tại lập đền thờ. Tuy thác đi, nhưng với lòng thương mến dân lành, Bà thường hiển linh cho thuốc cứu người, trừng trị quan hà hiếp dân lành.  Tự Đức thứ V, năm Nhâm Tý (1852) Bà hiển linh tại làng Phước Ấm. Trước cảnh sa thủy hữu tình, Bà xây dựng nơi đây thành chợ để buôn bán trao đổi. Bà hóa thân thành một thiếu nữ xinh đẹp chừng 18 tuổi làm nghề bán nước, đổi trầu. Tưởng nhớ công đức Bà đã sáng lập Chợ Được, dân làng đã lập đền để hương khói Bà và kể từ đó cho đến nay hằng năm vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch, làng Phước Ấm tổ chức cúng Bà. Trước kia đền thờ Bà là gian nhà nhỏ bằng tre, đến năm 1968 nhân dân trong làng đã đóng góp kinh phí xây dựng nhà ba gian với diện tích 144 m2

  

Các đồng chí lãnh đạo huyện và địa phương cắt băng khánh thành lăng Bà Chợ Được

Ngày 31/12/2008, lăng Bà được UBND tỉnh quyết định công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, lăng Bà đã xuống cấp nghiêm trọng, mới đây UBND tỉnh đã phê duyệt để đầu tư tôn tạo lại. Công trình trùng tu, tôn tạo lăng Bà Chợ Được được khởi công vào tháng 6.2018 và hoàn thành vào tháng 12.2018 với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng trong đó UBND tỉnh hỗ trợ 1,1 tỷ đồng, còn lại nhân dân đóng góp. Cũng nằm trong khuôn khổ lễ hội Bà Chợ Được, trong sáng ngày 15.2, UBND xã Bình Triều cũng đã tổ chức các hoạt động truyền thống như hô hát bài chòi, các trò chơi dân gian, và giải đua thuyền tranh cúp Thanh Long năm 2019.

Trung Thực - Giang Biên

 

 

 

Trong 2 ngày 25 và 26.12, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch  Quảng Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Thăng Bình tổ chức lớp tập huấn quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản, di tích năm 2018 cho 60 học viên là cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn văn hóa từ huyện đến cơ sở.

Quang cảnh lớp tập huấn

 Tại lớp tập huấn, các học viên được truyền đạt các nội dung về các loại hình di tích, thực trạng của di tích tại Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng. nghiệp vụ công tác quản lý di tích, di sản; những văn bản pháp quy về quản lý di sản, di tích. Sau khi được tìm hiểu kiến thức về lý thuyết, học viên sẽ được tham gia khảo sát, tham quan thực tế tại khu di tích Mỹ Sơn để có cách nhìn tổng quan về công tác quản lý và bảo tồn di tích. Lớp tập huấn nhằm trang bị cho các học viên về các kỹ năng, nghiệp vụ trong việc quản lý di tích tại địa phương, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương./.

Văn Toàn

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI