Ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, sau khi hệ ý thức phong kiến hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ lịch sử, giai cấp phong kiến nói chung đã phản bội lợi ích của dân tộc thì một khuynh hướng cứu nước mới xuất hiện ở Việt Nam – khuynh hướng tư sản - hệ tư tưởng của khuynh hướng này sau khi vào nước ta bằng những con đường khác nhau, đã được các sĩ phu yêu nước Việt Nam bấy giờ tiếp thu và lấy đó làm con đường vận động cứu nước giải phóng dân tộc. Cuộc vận động cứu nước ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX biểu hiện bởi hai xu hướng, hay hai phái: bạo động và duy tân. Mặc dù có khác nhau về phương pháp vận động cứu nước, song cả hai xu hướng này có điểm thống nhất với nhau, đó là việc lấy hệ tư tưởng tư sản làm nền tảng và mục tiêu chung là giải phóng dân tộc, phát triển đất nước theo con đường chủ nghĩa tư bản. Đặc biệt là cả hai xu hướng này đều do người Quảng Nam tham gia lãnh đạo; đều lấy đất Quảng Nam làm đại bản doanh, làm căn cứ địa và phong trào chịu ảnh hưởng của nó đã diễn ra mạnh mẽ và tập trung tại Quảng Nam.
Phong trào vận động cứu nước hồi đầu thế kỷ XX ở nước ta đã lôi kéo đông đảo sĩ phu yêu nước tham gia, trong đó hầu hết là do những người Quảng Nam đứng ra tổ chức và lãnh đạo. Phái duy tân do Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lê Văn Huân, Ngô Đức Kế… đứng đầu, trong đó Phan Châu Trinh là người tiêu biểu nhất, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đóng vai trò tích cực đối với phong trào đều là những người sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam. Phái bạo động, đại diện là Phan Bội Châu, Nguyễn Thành, Châu Thượng Văn, Đỗ Đăng Tuyển, Đặng Thái Thân, Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tăng Bạt Hổ… trong đó Nguyễn Thành, Châu Thượng Văn, Đỗ Văn Tuyển, Đặng Thái Thân, Thái Phiên, Trần Cao Vân là những người con đất Quảng. Dù bạo động giải phóng dân tộc hay duy tân cứu nước, họ đều có những điểm chung nổi bật là: tất cả đều sinh ra, lớn lên và vận động cứu nước giải phóng dân tộc từ mảnh đất Quảng Nam này. Phong trào vận động cứu nước lúc này hầu hết là những người Quảng Nam tổ chức lãnh đạo có thể do những yếu tố sau:
Họ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất mà thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược và đã bị nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng chặn đứng. Họ là những người Cần Vương lớp trước còn lại hoặc là những người chứng kiến sự đàn áp dã man của thực dân Pháp đối với phong trào Cần Vương. Hơn nữa, tại Quảng Nam bọn thực dân Pháp đã tiến hành khai thác thuộc địa một cách triệt để nhất như đào sông Cu Nhí, đắp đường Bồng Miêu, xây dựng Cửa Hàn, đắp đường lên thượng du … đã bóc lọt thậm tệ sức lao động, vơ vét tận cùng tài sản của nhân dân và tài nguyên đất nước. Từ mảnh đất có truyền thống này, họ chứng kiến tận mắt những cảnh bóc lột, đàn áp dã man của thực dân Pháp và việc đầu hàng làm tôi tớ nhục nhã của vua phong kiến Nam triều. Không chịu đựng được nữa, họ đứng lên phất cờ vận động cứu nước giải phóng dân tộc, vì thế họ sớm trở thành người lãnh đạo phong trào.
Vào cuối thế kỷ XIX, Hội An vẫn là một thương cảng sầm uất, tàu bè ra vào tấp nập, hơn nữa lúc này thực dân Pháp đang xúc tiến xây dựng Cửa Hàn đã làm cho Quảng Nam có điều kiện thuận lợi để giao lưu văn hóa với nước ngoài. Thật vậy, việc có điều kiện giao lưu văn hóa với nước ngoài đã giúp cho các sĩ phu Quảng Nam tiếp thu sớm và nhanh chóng hệ tư tưởng mới. Và với tấm lòng yêu nước nồng nàn, họ vừa bí mật vừa công khai truyền bá rộng rãi hệ tư tưởng này vào quần chúng nhân dân Quảng Nam cũng như cả nước, đã tạo thành cuộc vận động cứu nước rộng lớn mà họ là những người đứng đầu.
Họ sinh ra trên mảnh đất có tuyền thống hiếu học nơi đã từng được tặng danh hiệu: “Tứ hổ”, “Ngủ Phụng tề phi”. Trên thực tế họ là những người đỗ đạt, có hiểu biết rộng rãi hoặc là những người đã từng từ quan về dân như Phan Châu Trinh, Đỗ Đăng Tuyển… nên họ có điều kiện để nhận thức thời cuộc và tiếp thu nhanh chóng hệ tư tưởng mới. Họ còn là những người có địa vị, có uy tín lớn, họ nói nhiều người nghe theo và vì thế họ sớm trở thành những người lãnh đạo của phong trào.
Quảng Nam không chỉ sinh ra và nuôi dưỡng những người con tiên phong của phong trào vận động cứu nước lúc này mà còn là mảnh đất trọng dụng tài đức của những người Việt Nam tha thiết với độc lập dân tộc. Các cụ Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Đặng Tử Kính, Nguyễn Quýnh ở Nghệ An; Tăng Bạt Hổ ở Bình Định; Tôn Thất Toại ở Thừa Thiên Huế, Trần Nhật Thị ở Châu Đốc… đã từng đến hoạt động ở Quảng Nam trong thời kỳ này. Cụ Phan Bội Châu, một người ưu tú của dân tộc, sau khi ra Bắc vào Nam tìm người tâm đắc cứu nước, đã dừng lại tại Quảng Nam để cùng với Nguyễn Thành và các sỹ phu yêu nước khác lập tại đây tổ chức Duy Tân hội, một tổ chức tiên tiến lúc bấy giờ.
Ở khía cạnh “đất của những con người tiên phong lãnh đạo phong trào”, qua các dẫn chứng trên đây chúng ta có thể nói rằng Quảng Nam là nơi tập trung nhất của phong trào vận động cứu nước giải phóng dân tộc lúc này ở nước ta.
Trên đất Quảng Nam, trong những năm đầu thế kỷ XX, cả hai phái bạo động và duy tân đều đặt đại bản doanh tại đây. Đầu năm 1889, sau khi ra khỏi ngục giặc, Nguyễn Thành đã trở về quê cũ ở làng Thạnh Mỹ, Thăng Bình, Quảng Nam, bắt đầu thời kỳ mai danh ẩn tích lập Sơn trang trại Nam Thịnh, bí mật liên kết với sĩ phu trong nước chuẩn bị cho những hoạt động cứu nước sau này. Giữa lúc đó tại Nghệ An, Phan Bội Châu cũng đang bôn ba ra Bắc vào Nam liên kết với các sĩ phu để cùng khởi nghĩa giành độc lập cho dân tộc. Năm 1902, Phan Bội Châu ra Bắc gặp Hoàng Hoa Thám nhưng không thành. Đầu năm 1903, Phan Bội Châu vào Huế, mười ngày sau đó được tin dư đảng Cần Vương Nguyễn Thành đang hoạt động tại Quảng Nam, ông cùng Nguyễn Quýnh vào Sơn trang trại Nam Thịnh gặp Nguyễn Thành – Phan Bội Châu được xúc tiến khẩn trương, tích cực chuẩn bị các điều kiện cho một tổ chức cứu nước mới ra đời.
Đầu năm 1904, tại Sơn trang trại Nam Thịnh, tỉnh Quảng Nam một cuộc “hội nghị” lịch sử diễn ra với gần 20 sĩ phu trong cả nước, dưới sự điều khiển của Phan Bội Châu và Nguyễn Thành đã đi đến thành lập tổ chức Duy Tân hội. Đây là một tổ chức cứu nước có tính chất cách mạng đầu tiên ở nước ta. Hội nghị bầu Cường Để làm hội chủ, nhưng mọi việc đều do Nguyễn Thành và Phan Bội Châu đảm nhiệm. Từ đây, Sơn trang trại Nam Thịnh trở thành căn cứ địa cho những hoạt động của phái bạo động. Nguyễn Thành lấy biệt hiệu Tiểu La lo công việc phát triển thế lực của hội về người và tài chính, đồng thời tích cực chuẩn bị cho bạo động khởi nghĩa. Phan Bội Châu cùng Tăng Bạt Hổ lo việc xuất dương cầu viện rồi Đông du cầu học. Với sự ra đời của tổ chức cứu nước Duy Tân hội Quảng Nam đã trở thành trung tâm thu hút nhân tài vật lực cho phong trào Đông Du và tích cực chuẩn bị cho hoạt động giải phóng dân tộc.
Phái Duy tân, mặc dù không cho ra đời một tổ chức cứu nước cụ thể nào, song các lãnh tụ của phái này như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đều là những người Quảng Nam, nhất là từ khi Phan Châu Trinh từ quan về dân, những cuộc gặp gỡ của cụ với hai cụ Trần, Huỳnh trên đất Quảng là những cuộc họp bàn việc cứu nước giải phóng dân tộc diễn ra liên tục, sôi nổi. Họ đã gặp nhau về tư tưởng và phương pháp cứu nước, họ đã xúc tiến việc cứu nước theo xu hướng bất bạo động. Các cụ đã hoạt động tích cực ở Quảng Nam, vì thế ở đây có phong trào Duy Tân mạnh mẽ nhất. Đồng thời thông qua các cụ, phong trào được nhân giống khắp nơi. Trần Quý Cáp vào Phú Yên, Huỳnh Thúc Kháng ra Huế, Phan Châu Trinh đi khắp mọi nơi để diễn thuyết, tuyên truyền vận động duy tân cứu nước.
Với sự ra đời của tổ chức cứu nước Duy Tân hội và những hoạt động của phái duy tân trên đất Quảng Nam đã chứng tỏ Quảng Nam là đất của tổ chức vận động cứu nước trong những năm đầu thế kỷ XX.
Ở Quảng Nam vào đầu thế kỷ XX phong trào vận động cứu nước giải phóng dân tộc không chỉ diễn ra tập trung nhất mà còn sôi nổi mạnh mẽ với quy mô rộng lớn nhất.
Phong trào Duy Tân dưới sự lãnh đạo của phái duy tân diễn ra sôi nổi ở Quảng Nam. Sự xuất hiện của các tổ chức hội thương, hội nông diễn ra tập trung ở đây, tiêu biểu có Quảng Nam hiệp thương công ty do Nguyễn Quyền và Hoàng Tăng Bí quản lý đã phát triển mạnh mẽ. Trên lĩnh vực văn hóa giáo dục, phong trào ở Quảng Nam phát triển rất mạnh. Riêng Phan Châu Trinh đã lập 48 trường dạy quốc ngữ với nội dung yêu nước và tiến bộ. Những trường học lớn nhất vào lúc này đều tập trung ở Quảng Nam như trường Diên Phong, Phúc Bình, Phú Lâm… Đặc biệt ở vùng nông thôn Quảng Nam, phong trào chống mê tín dị đoan, chống nạn xôi thịt, hưởng ứng việc cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn, dùng hàng nội diễn ra rộng khắp, có nơi phong trào phát triển đến mức cực đoan như đón người đi đường cắt búi tóc, cắt vạc áo dài, xé áo lam, giật thẻ bài ngà của bọn quan lại… Trong phong trào này, một số làng kiểu mẫu xuất hiện, nổi bất là làng kiểu mẫu Phú Lâm, phủ Thăng Bình (nay thuộc huyện Tiên Phước) do cụ xã Sáu Lê Cơ xây dựng, Ở đây, có một hội buôn, một hội nông, trong làng đặt lệ cấm cờ bạc, rượu chè, giữ vệ sinh và an ninh chung. Trong làng mở hai trường học theo kiểu mới, một cho con trai, một cho con gái và lần đầu tiên có nữ giáo viên lên lớp giảng dạy. Lúc này, Quảng Nam là tỉnh có phong tào Duy Tân phát triển sôi nổi và mạnh mẽ nhất ở Trung kỳ cũng như trong cả nước.
Song song với phong trào Duy Tân diễn ra sôi nổi và công khai bên ngoài là phong trào Đông Du do Duy Tân hội khởi xướng và tổ chức thực hiện đang hoạt động tích cực và bí mật ở bên trong. Qua tác phẩm Người chủ mưu phong trào Đông Du: Tiểu La – Nguyễn Thành của Phan Bội Châu cho chúng ta thấy rằng, phong trào Đông Du diễn ra trong cả nước và Nam kỳ có số du học sinh đông nhất, song đại bản doanh của phong trào này đặt tại quảng Nam. Trên thực tế, việc tổ chức vận động thanh niên Việt Nam xuất dương du học, các công việc vận động kinh phí gởi sang Nhật như cuộc gặp gỡ của người giúp việc của Nguyễn Thành với Trần Nhật Thị ở Nam kỳ, việc tổ chức thương hội ở Hội An, các hoạt động dưới hình thức trò chơi như đá gà, đua ngựa… ở Sơn trang trại Nam Thịnh nhằm liên lạc giữa các sĩ phu và huy động kinh phí gởi đi Nhật Bản cho ta thấy rằng phong trào Đông du có cội nguồn và trung tâm điều hành đặt tại Quảng Nam.
Phong trào đòi giảm sưu thuế ở Trung kỳ năm 1908 không phải ngẫu nhiên bùng nổ đầu tiên ở Quảng Nam mà đó là hệ quả tất yếu của cuộc vận động cứu nước mà cả hai phái bạo động và duy tân đều lấy Quảng Nam làm căn cứ địa để hoạt động. Thực tế ngọn lửa đấu tranh đòi giảm thuế ở Trung Kỳ đã nổ ra ở Đại Lộc rồi lan ra cả tỉnh Quảng Nam sau đó phát triển mạnh mẽ khắp Trung Kỳ. Sách giáo khoa viết: Suốt tháng 3 năm 1908, Quảng Nam sống trong không khí sôi sục đấu tranh … phong trào ở Quảng Nam lắng xuống thì các tỉnh khác từ Phú Yên đến Thanh Hóa phong trào lại bùng lên mạnh mẽ nhất là ở Quảng Ngãi, Bình Định. Điều đó cho thấy, Quảng Nam là ngòi nổ, là nơi phát sinh của phong trào đòi giảm sưu thuế ở Trung kỳ, năm 1908.
Tất cả những dẫn chứng trên cho chúng ta thấy rằng Quảng Nam là nơi diễn ra phong trào đấu tranh tập trung nhất, mạnh mẽ nhất trong cả nước hồi đầu thế kỷ XX.
Cuộc vận động giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX ở nước ta diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ và đều khắp. Ở Nam kỳ phong trào vận động học sinh tham gia Đông du cầu học diễn ra sâu rộng với số lượng đông nhất; ở Quảng Ngãi – Bình Định có phong trào đòi sưu thuế sôi nổi mạnh mẽ; ở Nghệ An lúc này có nhiều sĩ phu tiêu biểu tham gia lãnh đạo phong trào; ở Bắc Kỳ có các hoạt động nổi bật như phong trào Đông kinh nghĩa thục, vụ đầu độc lính Pháp tại Hà Nội năm 1908.
Nhìn lại phạm vi cả nước, cuộc vận động giải phóng dân tộc lúc này diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ và rộng khắp, nhưng chưa có một địa phương nào hội đủ các yếu tố con người lãnh đạo, địa bàn hoạt động và phong trào diễn ra tập trung như ở Quảng Nam. Hơn thế, nơi đây những tư tưởng lớn về cứu nước giải phóng dân tộc đã gặp nhau. Rồi từ đây những tư tưởng này cùng với phong trào của nó phát triển ra cả nước thành cuộc vận động sôi nổi, rộng rãi chưa từng thấy. Thật vậy, vào lúc này, Quảng Nam vừa là nơi hội tụ vừa là điểm lan tỏa của cuộc vận động giải phóng dân tộc ở nước ta.
Từ những tìm hiểu nêu trên, ta có thể nói rằng: Quảng Nam là trung tâm của phong trào vận động giải phóng dân tộc trong những năm đầu thế kỷ XX ở nước ta mà Nguyễn Thành là một “sinh số”, Phan Bội Châu là một “thành số” - Cả hai cộng lại thành Duy Tân hội. Duy Tân hội là sản phẩm của lịch sử dân tộc, của lịch sử phong trào vận động cứu nước, trong đó Phan Bội Châu và Nguyễn Thành là hai nhân vật lớn của phong trào.
TL.